Việt Nam tự tin trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

ANTD.VN - Cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc của Việt Nam đã chính thức bắt đầu với một loạt các hoạt động được tiến hành trong ngày 2-1-2020, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Mỹ. 

Việt Nam tự tin trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ảnh 1Lễ đặt cờ của 5 nước ủy viên không thường trực mới của HĐBA, trong đó có Việt Nam, trước phòng họp của HĐBA

Lá phiếu của Việt Nam góp phần định hình sự phát triển của thế giới

Lễ đặt cờ của 5 nước ủy viên không thường trực mới của HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021,  gồm Việt Nam, Estonia, Saint Vincent và Grenadines, Tunisia và Niger đã được tổ chức trang trọng tại trước phòng họp của HĐBA. Sau đó, HĐBA đã thông qua chương trình làm việc tháng 1-2020 do Việt Nam đề xuất. Theo đó, HĐBA sẽ có 12 cuộc họp công khai, 15 cuộc họp kín thảo luận về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực như tình hình Trung Đông, Syria, Yemen, Tây Phi, Sahel, Mali, Libya, Trung Á và Cyprus. 

Ngay sau khi họp thông báo chương trình làm việc tháng 1-2020 của HĐBA cho các nước thành viên LHQ ngoài HĐBA, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý đã chủ trì họp báo quốc tế trên cương vị Chủ tịch HĐBA. Các cơ quan trực thuộc của HĐBA cũng sẽ có nhiều cuộc họp trong tháng về các vấn đề như các lệnh trừng phạt, chống khủng bố, tòa án, trẻ em và xung đột vũ trang cũng như các vấn đề thủ tục.  

Là cơ quan quan trọng nhất của LHQ trong việc thực thi chức năng duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, HĐBA gồm 15 thành viên, trong đó có 5 ủy viên thường trực có quyền phủ quyết và 10 thành viên không thường trực nhiệm kỳ hai năm, không được quyền tái cử ngay sau đó và được phân bố theo khu vực. Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể đưa ra các khuyến nghị đối với các nước thành viên, HĐBA là cơ quan duy nhất có quyền đưa ra các quyết định mà các nước thành viên LHQ có nghĩa vụ bắt buộc phải thi hành. 

Quyền hạn lớn như vậy nhưng chưa bao giờ vai trò và vị trí của HĐBA lại gặp phải thách thức lớn như hiện nay. Hòa bình vẫn là xu thế chính trên thế giới nhưng bên cạnh đó, nhiều vấn đề xung đột phức tạp và lâu dài vẫn tiếp diễn chưa có hồi kết. Dù luôn được HĐBA đưa lên bàn nghị sự nhưng các “điểm nóng” như vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, căng thẳng ở Biển Đông, quan hệ Mỹ - Iran, các cuộc xung đột dai dẳng ở Syria, Yemen và Libya…vẫn tiếp tục khiến thế giới phải lo ngại.

Trong khi đó, cục diện thế giới lại đang có những diễn biến phức tạp bởi sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, sự suy yếu của chủ nghĩa đa phương, trật tự luật pháp quốc tế thì bị đe dọa. Chính sự khác biệt giữa các nước thành viên HĐBA, đặc biệt là giữa những nước lớn trong vai trò Ủy viên thường trực, đã làm giảm khả năng tương tác và phối hợp đối với những vấn đề thuộc chương trình nghị sự của HĐBA, khiến các vấn đề này khó đạt được sự nhất trí chung.

Làm sao để vừa đưa ra quan điểm và sáng kiến thiết thực nhằm giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, lại vừa cân bằng lợi ích của các bên liên quan là nhiệm vụ không hề dễ dàng với Việt Nam, nhất là khi các quyết định của HĐBA luôn gắn với những vấn đề đặc biệt quan trọng và nhạy cảm như chiến tranh và hòa bình, chống khủng bố, trừng phạt hay không trừng phạt... Có thể nói lá phiếu của Việt Nam sẽ góp phần quyết định trong các vấn đề hệ trọng mang tính toàn cầu, định hình cho sự phát triển của thế giới tương lai. 

Uy tín và kinh nghiệm giúp Việt Nam giành sự tin cậy trong HĐBA

Tham gia tích cực và hoàn thành trách nhiệm cao cả trước cộng đồng quốc tế là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, thúc đẩy công cuộc phát triển đất nước. Nó mở cơ hội để Việt Nam tiếp tục phát huy kinh nghiệm quý báu “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” để vượt qua thử thách trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Đây cũng là trách nhiệm trước kỳ vọng mà các nước thành viên LHQ đã gửi gắm trong lá phiếu bầu cho Việt Nam. 

Thách thức rất lớn nhưng so với nhiệm kỳ đầu cách đây 10 năm, thế và lực của Việt Nam đã khác xa. Với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 6,8% và được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh từ nay đến năm 2030, Việt Nam ngày nay là một trong những nền kinh tế nổi bật ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 càng làm cho vai trò và tiếng nói của Việt Nam có thêm sức nặng.

Thêm vào đó, ít có dân tộc nào trên thế giới phải trải qua lịch sử khó khăn và chiến tranh ác liệt như Việt Nam. Cũng hiếm có nước nào lại có thể gác lại quá khứ, hàn gắn quan hệ hữu nghị và hợp tác với các “cựu thù” như dân tộc Việt Nam. Điều đó đã minh chứng thiện chí của Việt Nam trong vấn đề hòa giải và hợp tác để cải thiện quan hệ quốc tế hiện nay. 

Chính vì vậy, Việt Nam không phải là nước lớn hoặc giàu mạnh, nhưng có thể tham gia đáng tin cậy nhất tại HĐBA Liên hợp quốc. Quan điểm và lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề lớn, trong đó có những vấn đề thuộc chương trình nghị sự của HĐBA liên quan đến các cuộc xung đột và tranh chấp, thường nhận được sự chia sẻ của cộng đồng quốc tế. 

Nhận định về vai trò của Việt Nam với tư cách Ủy viên HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021, Giáo sư Shankari Sundararaman, Giám đốc trung tâm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học JNU, New Delhi cho rằng, Việt Nam có thể vận dụng kinh nghiệm của mình để góp phần giải quyết cuộc xung đột trên Bán đảo Triều Tiên, khu vực bị chia cắt với nhiều gia đình bị ly tán. “Trong quan hệ lịch sử với Mỹ, Việt Nam đã có thể gác lại quá khứ và hướng tới tương lai. Hiện hai nước đang là đối tác toàn diện và mối quan hệ song phương không ngừng phát triển. Đây là một bài học có thể được vận dụng cho mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên hiện nay”, bà Shankari Sundararaman cho hay.

Thời điểm Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐBA còn có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là tháng đầu tiên kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ, cũng là 75 năm ký Hiến chương LHQ. Đây cũng đồng thời là thời điểm Việt Nam bắt đầu cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Nhân dịp này, Việt Nam đã đề xuất và nhận được sự tán thành cao của tất cả các nước ủy viên HĐBA trong việc tổ chức một phiên thảo luận mở về Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ vào ngày 9-1 và một cuộc họp về hợp tác giữa LHQ và ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế vào ngày 23-1 tới.

Các đề xuất nhằm góp phần thúc đẩy vai trò của chủ nghĩa đa phương, cải tổ HĐBA LHQ - cơ quan quyền lực nhất của LHQ thông qua việc mở rộng số ghế của cả ủy viên thường trực lẫn ủy viên không thường trực để mang tính đại diện cao hơn cũng là những vấn đề mà Việt Nam đặc biệt quan tâm trong nhiệm kỳ 2020-2021. 

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, đe dọa an ninh và hòa bình khu vực, là một ủy viên của HĐBA,Việt Nam cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiên trì thúc đẩy các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, và bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc.

Nhiều thách thức đang đặt ra với Việt Nam ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhưng như khẳng định của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để đóng góp vào công việc của HĐBA nhằm bảo đảm việc tuân thủ Hiến chương LHQ và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Việt Nam cũng đồng thời bày tỏ mong muốn các nước ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam, không chỉ trong Tháng Chủ tịch mà trong cả thời gian sắp tới.