Việt Nam thực thi đầy đủ, đề cao UNCLOS trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

ANTD.VN - Tình hình ở Biển Đông diễn biến phức tạp do những tranh chấp gay gắt liên quan đến chủ quyền trên biển. Thực tế đó đòi hỏi các bên liên quan trước hết phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong xử lý các tranh chấp. 

Việt Nam thực thi đầy đủ, đề cao UNCLOS trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông ảnh 1Việt Nam “Kiên quyết, kiên trì” đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS

Hành vi của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế

Có thể nói cho đến nay, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 vẫn là bộ khung pháp lý hữu hiệu để quản lý các tranh chấp trên biển. Có hiệu lực từ ngày 16-11-1994, UNCLOS được xem là bước phát triển quan trọng nhất trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế kể từ khi Hiến chương LHQ và Quy chế Tòa án công lý quốc tế được thông qua.

Với 320 điều và 9 phụ lục, UNCLOS quy định một cách rõ ràng và toàn diện về quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc phạm vi tài phán quốc gia cũng như các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong việc sử dụng, khai thác và quản lý biển và đại dương, các quy định về hàng hải và hàng không; việc sử dụng và quản lý tài nguyên biển bao; vấn đề bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh trật tự trên biển; việc giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển.

Mọi quy định đều rõ ràng nhưng vấn đề phức tạp là ở chỗ Trung Quốc tự cho phép mình quyền diễn giải yêu sách chủ quyền trên biển hoàn toàn không dựa trên luật pháp quốc tế. Dựa trên một chiếc bản đồ được vẽ tùy tiện cách đây hơn nửa thế kỷ, mô tả “Đường chữ U” lúc đầu có 11 đoạn nay còn 9 đoạn, ngày 7-5-2009, Trung Quốc đưa ra Tuyên bố về “Đường yêu sách 9 đoạn” chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, gom lãnh hải của nhiều nước thành của mình. 

Cho đến nay, chưa bao giờ Trung Quốc giải thích hoặc đưa ra căn cứ pháp lý về “đường 9 đoạn”, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”. Họ luôn im lặng khi nhắc tới luật pháp quốc tế, nếu có đáp lại thì thường chỉ sử dụng cơ sở duy nhất để ngụy biện là “quyền lịch sử”, mặc dù điều này không được luật pháp quốc tế thừa nhận.

Nhưng dưới lập luận phi lý đó, năm 2011, Trung Quốc tiến hành các hoạt động quấy nhiễu và cắt cáp ngầm tàu Bình Minh 2, bắt đầu tôn tạo đảo nhân tạo trái phép trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Năm 2012, Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough do Philippines kiểm soát; ngang nhiên mời thầu quốc tế khai thác 9 lô dầu khí nằm trong đặc quyền kinh tế của Việt Nam; thành lập thành phố Tam Sa bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Năm 2014, Trung Quốc đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa khu vực phía nam Biển Đông của Việt Nam đánh dấu bước leo thang mới của Trung Quốc trong chiến lược độc chiếm Biển Đông. Bằng cách liên tục dùng đội tàu cá, dân binh và hải cảnh để thách thức sự hiện diện hợp pháp của ngư dân và cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của Việt Nam, Trung Quốc đang cố làm suy yếu chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ngay chính trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, đe dọa khiến Việt Nam phải lùi bước hay nhượng bộ Trung Quốc. 

Hành động trên của Trung Quốc đã vi phạm Điều 56 của UNCLOS về các quyền, quyền tài phán và các nghĩa vụ của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền về kinh tế; thăm dò dầu khí phi pháp, chưa kể việc cấm đánh bắt phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc làm đó nhằm ý đồ tước đoạt quyền hợp pháp của Việt Nam trong việc thực thi quyền bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với tài nguyên sinh vật và vi sinh vật trong vùng đặc quyền kinh tế.

Khu vực gần bãi Tư Chính mà Việt Nam đang tiến hành hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí là vùng biển hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc không có cơ sở để đòi hỏi chủ quyền tại bãi Tư Chính. Hành vi của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS mà nước này là thành viên. 

“Kiên quyết, kiên trì” đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo 

Là quốc gia ven biển có đường bờ biển dài hơn 3.000km với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, đảo. Chính vì thế, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng xây dựng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Ngay từ những ngày đầu xây dựng Công ước, Việt Nam đã có những chuyên gia, đại diện tham gia quá trình xây dựng nội dung.

Từ khi Công ước có hiệu lực, bên cạnh việc chủ động hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia trên cơ sở các quy định của UNCLOS 1982, đặc biệt là Luật Biển Việt Nam năm 2012 được xây dựng hài hòa với các quy định của UNCLOS 1982, Việt Nam đã nỗ lực tiến hành phân định biển với các quốc gia trong khu vực dựa trên các nguyên tắc được quy định trong Công ước. Đây chính là một nội dung quan trọng của việc thực thi Công ước, góp phần tạo ra môi trường hòa bình và ổn định giữa các quốc gia, đảm bảo để các quốc gia có được các vùng biển theo quy định của Công ước và có thể tiến hành khai thác, bảo tồn tài nguyên ở các vùng biển đó.

Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trên cơ sở thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, Việt Nam luôn nhất quán với chủ trương thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Chính sách nhất quán đó được thể hiện cả trong lời nói và hành động. Trước việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào bãi Tư Chính, Việt Nam đã có nhiều biện pháp giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật. Việt Nam coi duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại UNCLOS là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế.

Khẳng định ý chí quyết tâm, chủ trương “kiên quyết, kiên trì” đấu tranh để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhưng Việt Nam cũng luôn tỉnh táo để đấu tranh nhưng tránh xung đột, đối đầu, mắc mưu các thế lực thù địch. Chúng ta thực hiện chủ trương “thêm bạn bớt thù”, quán triệt phương châm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, phấn đấu vì hoà bình, ổn định, phát triển”, vì lợi ích chung của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. 

Trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã đẩy mạnh thông tin truyền thông, trước hết là nêu cao chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển. Chính nghĩa đó được khẳng định bằng những chứng cứ pháp lý và lịch sử xác thực và thuyết phục trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.

Có thể nói Việt Nam đã và đang thực thi đầy đủ UNCLOS, nỗ lực cùng các nước thành viên khác thúc đẩy tôn trọng UNCLOS, đồng thời kiên trì giải quyết một cách hòa bình các vấn đề Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.