Việt Nam nỗ lực vì Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và thịnh vượng

ANTD.VN - Việt Nam đã chính thức đảm đương trách nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020 khi lá cờ ASEAN được kéo lên tại Thủ đô Hà Nội với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để phát đi thông điệp nổi bật là Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết và thịnh vượng.

Việt Nam nỗ lực vì Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và thịnh vượng ảnh 1Nghi thức thượng cờ ASEAN khởi động Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 

Cơ hội để Việt Nam đóng góp phát triển Cộng đồng ASEAN

Phát biểu tại Lễ khởi động Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020 được tổ chức trọng thể tại Hà Nội ngày 6-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm 2020, Việt Nam vinh dự đảm nhiệm những trọng trách lớn ở cả tầm khu vực và quốc tế, trong đó nổi bật là vai trò Chủ tịch ASEAN. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là cơ hội để Việt Nam đóng góp thực chất và nhiều hơn nữa vào phát triển Cộng đồng ASEAN hài hòa, tự cường, sáng tạo, gắn kết, bản sắc, trách nhiệm và có khả năng thích ứng cao.

So với lần đầu tiên làm Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2020, Việt Nam đảm đương trọng trách lần thứ hai này khi mà hiệp hội đã có những bước phát triển vượt bậc, khẳng định là một trong những tổ chức khu vực thành công bậc nhất thế giới. Trong đó, ASEAN đã trở thành một Cộng đồng từ năm 2015 và đang ngày càng gắn kết trên cả 3 trụ cột: Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội.

Từ một khu vực với những chia rẽ, khác biệt, ASEAN ngày nay là cộng đồng của những quốc gia độc lập, đoàn kết đang phát triển ngày càng lớn mạnh, với dân số 650 triệu người, đứng thứ 3 thế giới, và là nền kinh tế phát triển năng động với quy mô GDP năm 2018 đạt 2.950 tỷ USD, lớn thứ 5 toàn cầu. ASEAN hiện đã ký kết 6 Hiệp định thương mại tự do với 7 đối tác hàng đầu thế giới, định vị vững chắc vị trí là trung tâm trong cấu trúc khu vực, được sự tôn trọng và hợp tác của các cường quốc, các đối tác lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, ASEAN hiện đang đứng trước những thách thức và khó khăn không nhỏ trong tình hình khu vực và thế giới biến động nhanh, phức tạp từ kinh tế cho tới an ninh và ổn định. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch phủ đám mây màu xám lên bức tranh kinh tế thế giới và khu vực, khiến tốc độ tăng trưởng của hầu hết các thành viên ASEAN năm qua đều sụt giảm đáng lo ngại. Trong khi đó, những hoạt động quân sự hóa, xâm phạm chủ quyền các bên liên quan của Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng của thế giới với 3.400 tỷ USD lưu lượng hàng hóa vận chuyển hàng năm. 

Những thách thức lớn về kinh tế - thương mại cũng như quốc phòng  -an ninh đó cùng những biến động khó lường khác đòi hỏi ASEAN hơn lúc nào phải làm sao thích ứng một cách nhanh nhất, đồng thời có cách thức hữu hiệu để sớm vượt qua. Những bài học sâu sắc đúc rút từ lịch sử phát triển nhiều thăng trầm của ASEAN cho thấy để thích ứng nhanh cũng như vượt qua những thách thức hiện đang phải đối mặt đòi hòi ASEAN phải tiếp tục củng cố, phát huy giá trị cốt lõi, nền tảng làm nên thành công của tổ chức khu vực thời gian dài qua. Đó chính là đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng phát huy sức mạnh đoàn kết của cả hiệp hội. 

Sẵn sàng cùng các nước thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển mạnh mẽ

Người đứng đầu Chính phủ nước ta khi phát biểu khởi động Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020 đã nêu rõ, từ thực tiễn hơn 50 năm qua, Một ASEAN đoàn kết, gắn kết chặt chẽ, chung tay xây dựng cộng đồng sẽ giúp ASEAN vượt qua thách thức và phát triển bền vững. Đây cũng chính là cơ sở để ASEAN phát huy vai trò trung tâm trong khu vực và ASEAN cũng là một thị trường đủ lớn cho phát triển những ý tưởng mới, kinh doanh sáng tạo và là điểm đến đầu tư hấp dẫn của toàn cầu.

Có thể thấy việc gắn kết vững bền, hơn lúc nào hết, càng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN trước những thánh thức hiện nay. Tiếp nối những nỗ lực làm nên thành công của ASEAN, Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình sẽ tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của Một Cộng đồng ASEAN, và cũng chính thông qua sự gắn kết bền vững đó mà hiệp hội có thể nâng cao năng lực thích ứng chủ động và hiệu quả với các cơ hội và thách thức đặt ra.

Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ phát huy những thành quả, tiếp nối nỗ lực của các kỳ Chủ tịch tiền nhiệm, nỗ lực hết sức mình để cùng các thành viên định hướng phát triển Cộng đồng ASEAN đến 2025 và xa hơn. Hướng tới mục tiêu này, Thủ tướng nước ta đã nêu bật những ý tưởng và sáng kiến lớn. Thủ tướng cho biết, với chủ đề của năm ASEAN 2020 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đề xuất 5 trọng tâm ưu tiên, không chỉ cho năm 2020 mà còn hướng đến những mục tiêu dài hạn hơn, đó là: (i) đóng góp tích cực cho môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; (ii) thúc đẩy phát triển thịnh vượng trên cơ sở liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng, tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; (iii) thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; (iv) đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hoà bình và phát triển bền vững, phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; và (v) nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình hợp tác cùng các nước thành viên, thực hiện thành công các trọng tâm ưu tiên của năm ASEAN 2020 và đó cũng là đóng góp thiết thực của Việt Nam cho một tương lai tươi đẹp hơn của ASEAN. Người đứng đầu Chính phủ nước ta cho biết, Việt Nam đã chủ động chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020; sẵn sàng cùng các nước thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển mạnh mẽ.