Việt Nam bắt đầu những ngày bận rộn tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

ANTD.VN - Với lễ đặt cờ ngày 2-1-2020, Việt Nam đã chính thức bắt đầu những ngày bận rộn đầu tiên trên cương vị Ủy viên không thường trực và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1-2020 với một chương trình nghị sự dày đặc các vấn đề hệ trọng về hòa bình, an ninh và phát triển trên toàn cầu.

Việt Nam bắt đầu những ngày bận rộn tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ảnh 1Việt Nam thông báo chương trình tháng 1-2020 cho các thành viên Liên hợp quốc ngoài Hội đồng Bảo an

Tìm cách hạ nhiệt, giảm căng thẳng tại khu vực Trung Đông

Không khí đón mừng năm mới 2020 trên thế giới còn chưa lắng dịu thì căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã bùng lên thành một vấn đề nóng bỏng khiến cả thế giới phải dõi theo với sự quan tâm sâu sắc. Liệu căng thẳng giữa cường quốc hàng đầu thế giới, một thành viên có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và một quốc gia có ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông tiềm tàng nhiều nguy cơ có bùng phát thành một cuộc xung đột mới, thậm chí chiến tranh?

Đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Iran ảnh hưởng tới hòa bình thế giới, an ninh ở khu vực Trung Đông - địa chiến lược quan trọng hàng đầu thế giới cũng như sự ổn định của toàn cầu? Làm thế nào để hạ nhiệt, không để căng thẳng Mỹ-Iran leo thang?… đó đang là những thách thức và vấn đề lớn đặt ra với cả thế giới, trước hết là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh trên toàn cầu của Liên hợp quốc.

Với cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 1-2020, Việt Nam có trách nhiệm triệu tập cuộc họp của Hội đồng, chấp thuận nghị trình dự kiến của cuộc họp, chủ trì cuộc họp, đại diện cho hội đồng trước Liên hợp quốc. Trong khi đó, tất cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an bất cứ lúc nào cũng có thể đưa những đề xuất, sáng kiến, nhằm tìm kiếm biện pháp hóa giải xung đột giữa các bên, ngăn ngừa, giảm bớt phức tạp, duy trì an ninh trên toàn cầu… và nước Chủ tịch phải dẫn dắt công việc của cơ quan này sao cho hài hòa và hiệu quả. Trước tình hình đang “căng như dây đàn” giữa Mỹ và Iran, các thành viên Hội đồng Bảo an có thể yêu cầu triệu tập một cuộc họp để xem xét, thảo luận về vấn đề này.

Tìm cách hạ nhiệt, giảm căng thẳng tại khu vực Trung Đông đang nóng lên cũng chính là 1 trong 7 ưu tiên mà Việt Nam đã nêu rõ khi trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đó là: Ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình các tranh chấp; cải tiến cách thức làm việc của Hội đồng Bảo an; vấn đề nhân đạo, bảo vệ thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các nơi xung đột; phụ nữ, hòa bình, an ninh và trẻ em trong xung đột vũ trang; khắc phục hậu quả xung đột; hoạt động gìn giữ hòa bình…

Ngoài những vấn đề xuyên suốt trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực trên, Hội đồng Bảo an cũng đã thông qua chương trình làm việc trong tháng 1-2020 do Việt Nam đề xuất trên cương vị Chủ tịch. Theo đó, Hội đồng Bảo an dự kiến tiến hành 12 cuộc họp công khai, 15 cuộc họp kín thảo luận về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực như: tình hình Trung Đông, Syria, Yemen, Tây Phi, Sahel, Mali, Libya, Trung Á và Cyprus. Các cơ quan trực thuộc của Hội đồng Bảo an cũng sẽ có nhiều cuộc họp trong tháng về các vấn đề như các lệnh trừng phạt, chống khủng bố, tòa án, trẻ em và xung đột vũ trang cũng như các vấn đề thủ tục…

Đề xuất của Việt Nam nhận được sự đồng tình và hưởng ứng cao

Thời gian Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng bảo an trong tháng 1-2020 có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là tháng đầu tiên kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc và cũng là 75 năm ký Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời Việt Nam cũng bắt đầu năm Chủ tịch ASEAN 2020. Bởi thế, nhân dịp này, Việt Nam đã đề xuất và nhận được được sự tán thành cao của tất cả các thành viên Hội đồng bảo an trong việc tổ chức một phiên thảo luận mở về Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc vào ngày 9-1 và một cuộc họp về hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế vào ngày 23-1 tới.

Các đề xuất của Việt Nam nhận được sự đồng tình và hưởng ứng cao tại Hội đồng Bảo an bởi đều nhằm góp phần thúc đẩy vai trò của chủ nghĩa đa phương, Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế vì một thế giới hòa bình, công bằng và tốt đẹp hơn. Đồng thời, cuộc họp giữa Liên hợp quốc và ASEAN là để tăng cường hiệu quả hợp tác và quan hệ Đối tác toàn diện giữa ASEAN - tổ chức khu vực thành công nhất và Liên hợp quốc - tổ chức quốc tế lớn nhất vì lợi ích chung của các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế. 

Việt Nam đã bắt đầu những ngày tháng bận rộn trên cương vị Ủy viên không thường trực và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với những nỗ lực cao nhất để khẳng định luôn là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.