Viện trợ cho Venezuela - nhân đạo hay con bài can thiệp?

ANTD.VN - Nhằm ngăn chặn nguy cơ can thiệp từ bên ngoài thông qua việc cung cấp hàng viện trợ, Venezuela đã đóng cửa biên giới hoàn toàn với Brazil từ đêm 21-2 và cân nhắc biện pháp tương tự ở khu vực biên giới với Colombia.

Viện trợ cho Venezuela - nhân đạo hay con bài can thiệp? ảnh 1Biên giới Venezuela - Brazil đã bị đóng

Phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho rằng, việc Mỹ tập kết hàng viện trợ ở thị trấn biên giới Cucuta của Colombia để đưa vào Venezuela là hành động “khiêu khích”, và rằng Mỹ cùng các đồng minh đang dùng “cớ” chuyển hàng viện trợ để can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Venezuela giữa lúc khủng hoảng.

Venezuela đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế khi tỷ lệ lạm phát lên tới con số 1 triệu %. Tuy nhiên, trong khi chính quyền của ông Maduro đang rất cần tiền để giải quyết nhu cầu trong nước, thì các khoản dự trữ của nước này ở bên ngoài lại bị phong tỏa theo yêu cầu của Mỹ. 10 tỷ USD của Venezuela hiện nằm trong các ngân hàng của Mỹ. Anh thì không chịu trả 80 tấn vàng của Venezuela đang gửi ở nước này.

Cùng với việc công khai ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido, người tự phong là Tổng thống lâm thời của Venezuela, Mỹ và một số nước châu Âu đang tìm cách hậu thuẫn cho phe đối lập Venezuela mở rộng ảnh hưởng thông qua hàng cứu trợ. Trong khi hàng cứu trợ của Mỹ được tập kết dần tại các khu vực gần biên giới với Venezuela, thì lực lượng của ông Guaido lớn tiếng đòi đứng ra tổ chức đưa hàng cứu trợ này đến với người dân nhằm gia tăng ảnh hưởng.

Tổng thống Maduro đã từng tuyên bố thẳng: “Nếu các vị (Mỹ) muốn giúp đỡ Venezuela, hãy trả lại hàng tỷ USD tiền tài nguyên vốn thuộc về chúng tôi. Đó là những khoản tiền mà chúng tôi có thể mua hàng hóa, vật liệu thô, lương thực, thuốc men”. Ông Maduro cũng khẳng định Venezuela không có nạn đói và khủng hoảng nhân đạo như truyền thông nước ngoài mô tả, do vậy Venezuela không “cầu xin” viện trợ vì đây có thể là lý do cho hành động can thiệp quân sự.

Chính vì thế cho đến nay, chính quyền của ông Maduro đã đóng cửa tất cả các cửa khẩu dự kiến tiếp nhận hàng viện trợ. Trước khi đóng cửa biên giới với Brazil, Venezuela cũng đã tạm ngừng mọi hoạt động đường biển và đường không nối với các đảo Aruba, Bonaire và Curazao của Hà Lan. Đây cũng là nơi tập kết hàng cứu trợ của Mỹ.

Như vậy, hàng cứu trợ đã không còn là vấn đề nhân đạo mà trở thành chủ đề tranh cãi gay gắt giữa chính quyền của ông Maduro với phe đối lập, một công cụ mà thủ lĩnh phe đối lập Guaido đang tận dụng để giành quyền lực. Với âm mưu thách thức Tổng thống đương nhiệm Maduro và tiếp quản chính quyền hợp pháp tại Venezuela, phe đối lập đang thúc đẩy việc tập kết lô hàng viện trợ gồm lương thực và dụng cụ y tế tới biên giới Colombia và Venezuela.

Cuộc đối đầu giữa hai bên đang nóng lên từng ngày. Trong khi các thủ lĩnh đối lập cho rằng quyết định đóng cửa biên giới của Tổng thống Maduro đã làm xấu đi hình ảnh của ông, đồng thời đòi thiết lập một hệ thống cứu trợ riêng của mình tại Venezuela, thì chính quyền của ông Maduro tăng cường lực lượng quân đội phong tỏa khu vực biên giới. 

Ngày 21-2-2019, đích thân thủ lĩnh đối lập Guaido cùng một số nhà lập pháp đã đến biên giới để tìm cách đưa số hàng viện trợ của Mỹ vào Venezuela. Phe đối lập cũng đưa ra hạn chót là ngày 24-2 phải cho phép hàng viện trợ nhân đạo được vào đất nước này. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino thông báo, lực lượng vũ trang Venezuela tiếp tục được triển khai dọc các khu vực biên giới để chống lại bất cứ động thái vi phạm chủ quyền lãnh thổ của nước này. Đụng độ trên biên giới giữa hai bên có thể xảy ra bất cứ lúc nào.