Viễn cảnh u ám với người tị nạn

ANTĐ - Năm 2014 đã chứng kiến số người tị nạn trên thế giới lần đầu tiên vượt ngưỡng 50 triệu người kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai và viễn cảnh này còn u ám hơn trong năm 2015 sắp tới.

Viễn cảnh u ám với người tị nạn ảnh 1Người tị nạn Iraq chạy trốn các tay súng IS trong một buổi nhận hàng cứu trợ

Trong nhận định đưa ra ngày 22-12, Giám đốc Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ John Ging cho rằng, nối tiếp năm 2014 đầy khó khăn thì các chiến dịch nhân đạo trên phạm vi toàn cầu sẽ hết sức u ám. Năm 2014 là năm đầu tiên sau Chiến tranh thế giới II, số người tị nạn trên toàn cầu vượt ngưỡng 50 triệu.

Theo số liệu được Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) công bố nhân Ngày Người tị nạn thế giới (20-6), có tới 51,2 triệu người trên thế giới đã phải rời bỏ nhà cửa, quê hương để lánh nạn xung đột và chiến tranh, nhiều hơn 6 triệu người so với 1 năm trước. Trung Đông là điểm nóng nhất hành tinh về tình hình tị nạn do hàng chục triệu người ở Syria và Iraq phải chạy trốn lực lượng của Tổ chức Hồi giáo (IS) tự xưng khét tiếng tàn bạo cũng như vấn đề người tị nạn Palestine kéo dài nhiều thập kỷ qua.

Theo số liệu mới nhất của OCHA, cuộc chiến khốc liệt tại Syria suốt hơn 3 năm qua không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người mà còn đẩy quốc gia này giữ chức “quán quân” thế giới về người tị nạn. Theo thống kê, có khoảng 12,2 triệu người dân ở Syria phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong nước hoặc sang các nước láng giềng.

Chịu chung sự bành trướng của các tay súng IS man rợ, quốc gia Iraq láng giềng của Syria cũng có tới 5 triệu người phải đi lánh nạn. Dòng người tị nạn quá lớn từ Syria và Iraq đổ ra nước ngoài đã không chỉ chất thêm gánh nặng rất lớn cho công tác cứu trợ nhân đạo mà còn gây nhiều khó khăn khiến cho các nước láng giếng như Lebanon chỉ có khoảng 4,5 triệu dân song lại phải tiếp nhận tới hơn 1 triệu người tị nạn Syria.

Những cuộc xung đột dai dẳng hàng chục năm qua nhiều quốc gia châu Phi cũng “đóng góp” thêm hàng chục triệu người tị nạn. Trong đó nhiều nhất là Yemen 8 triệu người, CHDC Congo 5,2 triệu người, Sudan 4,4 triệu người, Nam Sudan 4,1 triệu người người, Somalia 2,8 triệu người…

Dẫn đầu châu Á về số người tị nạn là Afghanistan với 3,8 triệu người, Pakistan với hàng triệu người… Điểm nóng mới Ukraine tại châu Âu lúc cao điểm chiến sự cũng có tới gần 1 triệu người ở miền Đông nước này phải đi lánh nạn, trong đó phần lớn chạy sang nước Nga láng giềng.

Trong năm 2014, cộng đồng quốc tế đã quyên góp, hỗ trợ tổng cộng khoảng 12,9 tỷ USD để cứu trợ cho khoảng 52 triệu người tị nạn. Con số hỗ trợ, theo OCHA sẽ phải gia tăng mạnh lên tới 19,2 tỷ USD trong năm 2015 bởi cơ quan này dự báo số người tị nạn trên thế giới có thể tăng đột biến lên tới 76 triệu người nếu những điểm nóng xung đột ở Trung Đông, châu Phi, Afghanistan, Ukraine… không hạ nhiệt.

Giám đốc OCHA cũng đặc biệt lưu ý tới tình trạng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của các nhân viên cứu trợ. Tính tới thời điểm này đã có 85 nhân viên cứu trợ thiệt mạng trong hơn 230 vụ tấn công nhằm vào lực lượng cứu trợ của LHQ trên thế giới. Đây cũng là con số nhân viên cứu trợ thiệt mạng cao kỷ lục từ trước tới nay.