Vì sao Triều Tiên không phô diễn tên lửa xuyên lục địa trong cuộc duyệt binh?

ANTD.VN - Từ trước tới nay, các cuộc duyệt binh ở Triều Tiên thường được tổ chức rầm rộ với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ, khí tài quân sự đa dạng. Đặc biệt, hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) luôn là tâm điểm chú ý của dư luận. Nhưng năm nay, công cụ khuếch trương sức mạnh quân sự này không được Triều Tiên trình diễn.

Vì sao Triều Tiên không phô diễn tên lửa xuyên lục địa trong cuộc duyệt binh? ảnh 1Nữ binh sĩ Triều Tiên khi tham gia lễ diễu binh

Từ vài hôm trước, Trang 38 North có trụ sở ở Mỹ chuyên nghiên cứu hoạt động ở Triều Tiên đã công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy các xe chở và phóng đạn (TEL) của những tổ hợp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) như Hwasong-14 và Hwasong-15 đều không xuất hiện trong các buổi tập luyện chuẩn bị cho lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh Triều Tiên, diễn ra trong ngày 9-9.

Còn nhớ, trong cuộc diễu binh vào tháng 4 năm ngoái nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh Chủ tịch Kim Il-sung, Bình Nhưỡng đã công bố liền lúc 5 loại tên lửa mới. Hay tại cuộc duyệt binh hồi tháng 2 năm nay, ngay trước thềm Thế vận hội Mùa đông tại Hàn Quốc, thế giới cũng chứng kiến sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ. 

Chính vì thế, giới chuyên gia nhận định rằng sự khác biệt trong cuộc duyệt binh hôm 9-9 cho thấy Bình Nhưỡng không muốn có hành động gì có thể gây thêm căng thẳng trong khu vực. Thậm chí trong buổi hòa nhạc tại Thủ đô Bình Nhưỡng tối 8-9 phục vụ các quan khách, các hình ảnh cũng chỉ đều tập trung vào thành tựu phát triển kinh tế và xã hội Triều Tiên trong thời gian qua.

Sau những hứng khởi của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore hồi tháng 6-2018, tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên bắt đầu ngừng trệ. Cuối tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy chuyến công tác Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mike Pompeo với lý do hai bên thiếu những tiến bộ trong đàm phán. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thì khẳng định sẽ không tiếp tục duy trì việc tạm ngưng các cuộc tập trận trên bán đảo Triều Tiên như đã thông báo với Bình Nhưỡng.

Vẫn như trước đây, Mỹ muốn Triều Tiên công khai toàn bộ chương trình hạt nhân của nước này. Điều đó đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng phải thông báo cho Washington biết họ có bao nhiêu tên lửa và bom hạt nhân cũng như vị trí của tất cả các cơ sở hạt nhân để Mỹ giám sát việc liệu Triều Tiên có thực sự giải giáp loại vũ khí này hay không. 

Trong khi đó, Triều Tiên lại muốn Mỹ tuyên bố kết thúc chiến tranh và ký Hiệp ước hòa bình Mỹ - Triều trước. Chính vì thế, Triều Tiên kiên quyết từ chối đề nghị của Mỹ về việc giao nộp 60-70% số đầu đạn hạt nhân của nước này trong vòng 8 tháng. Triều Tiên thậm chí còn đe dọa sẽ khôi phục “các hoạt động tên lửa và hạt nhân” nếu các yêu cầu không được đáp ứng.

Diễn biến đó khiến quan hệ Mỹ - Triều có thể quay lại tình trạng đối đầu như trong quá khứ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng thừa hiểu, nếu đẩy tiếp vấn đề thì có thể dẫn đến sự đổ vỡ đối thoại cấp cao. 

Trong giai đoạn xây dựng niềm tin hiện nay giữa Washington và Bình Nhưỡng việc quyết định không phô diễn tên lửa xuyên lục địa là hợp lý. Bởi thế, công cụ răn đe từng giúp Triều Tiên có con bài mặc cả trên bàn đàm phán đã không xuất hiện trong Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên.