Vì sao Tổng thống Donald Trump khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga "thành công lớn"?

ANTD.VN - Ông Donald Trump đã trở thành vị Tổng thống Mỹ thứ  tư liên tiếp có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki (Phần Lan). Cả 3 vị Tổng thống Mỹ khi tiền nhiệm đều coi ông chủ Điện Kremlin là một thách thức, bước vào các cuộc gặp đầy hy vọng để rồi kết thúc đàm phán trong sự phẫn nộ và cáo buộc lẫn nhau. Nhưng câu chuyện của ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm lại hoàn toàn khác. 

Vì sao Tổng thống Donald Trump khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga "thành công lớn"? ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan ngày 16-7

Khác bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga là một thành công lớn, thậm chí còn “tốt hơn” cuộc gặp với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa diễn ra trước đó. Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump nhấn mạnh:  “Mặc dù đã có một cuộc họp tuyệt vời với NATO và quyên góp một khoản tiền khổng lồ, nhưng tôi thậm chí đã có một cuộc gặp tốt hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin”. 

Tổng thống Trump đổ lỗi cho báo chí vì đã đưa tin một cách tiêu cực về cuộc họp báo chung giữa ông và người đồng cấp Putin, dẫn tới việc ông phải hứng chịu những chỉ trích mạnh mẽ từ giới chính trị gia thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Các chính trị gia Mỹ chỉ trích ông Trump đã đứng về phía ông Putin khi phủ nhận kết luận của giới chức tình báo Mỹ về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Thượng nghị sĩ John McCain gọi đây là “một trong những màn trình diễn đáng hổ thẹn nhất của một Tổng thống Mỹ từ trước đến nay”. Trong khi đó, lãnh đạo Hạ viện Mỹ Paul Ryan, một người ủng hộ ông Trump đầy thận trọng, cho rằng: “Tổng thống nên hiểu rõ là Nga không phải đồng minh của chúng ta”. Còn Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker thì nhận định: “Chỉ trong vòng 15 phút họp báo, Tổng thống đã hủy hoại nhiều hơn những gì chúng tôi có thể ngăn chặn bằng cách thông qua các nghị quyết (trừng phạt Nga) trong vòng 6 tháng qua”.

Rất hiếm có một Tổng thống Mỹ bị cô lập về chính sách đối ngoại như Tổng thống Donald Trump hiện nay. Tuần trước, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu với kết quả 97 phiếu thuận và 2 phiếu chống để ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay cả khi Tổng thống Trump hạ thấp vai trò của NATO và các đồng minh chủ chốt.

Trong khi đó, cả Bộ Tư pháp và Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia đã lên tiếng cảnh báo về nhà lãnh đạo Nga dày dặn kinh nghiệm - người mà Tổng thống Trump đang cố gắng thu phục làm đồng minh của Mỹ. Chính sách hòa giải của Tổng thống Trump với Nga, vốn làm tổn hại đến NATO, thậm chí còn nhận được ít sự ủng hộ tại Washington hơn là chính sách phá vỡ quan hệ với các đồng minh Trung Đông để cải thiện quan hệ với Iran từng được cựu Tổng thống Barack Obama áp dụng. 

Ông Trump đang đặt cược vào cuộc gặp lần này, bất chấp những lời cảnh báo của đội ngũ cố vấn cũng như cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 của giới tình báo. Lý do khiến ông Trump tiến hành cuộc họp - như ông nhiều lần nhấn mạnh trong chuyến công du châu Âu - đó là việc Mỹ-Nga hòa hợp sẽ tốt đẹp hơn cho thế giới. Tổng thống Trump khẳng định:  “Chúng tôi đã tạo ra những bước đi đầu tiên hướng tới tương lai tươi sáng hơn, dựa trên nền tảng là hợp tác và hòa bình”.

Hơn nữa, nhà lãnh đạo Mỹ đánh giá cao Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc      Matxcơva có thể hợp tác với Washington trên nhiều vấn đề về an ninh, Syria và Iran, nhất là có thể thay thế Đức như một đối tác chủ chốt tại khu vực Á-Âu, hoặc ít nhất, Mỹ có thể sử dụng tầm ảnh hưởng từ mối quan hệ Washington - Matxcơva để gây sức ép nhằm đạt được các điều khoản có lợi trước Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống Mỹ tin rằng ông sở hữu khả năng mặc cả và tài năng ngoại giao để quản lý các cuộc đàm phán phức tạp mà Mỹ có liên quan.

Rõ ràng rằng hội nghị thượng đỉnh này được diễn ra chỉ đơn giản bởi phong cách ông Donald Trump muốn vậy. Ông muốn dường như tỏ ra thành thạo trong việc đối đầu với các nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm như ông Putin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hay Chủ tịch Tập Cận Bình, mà không bị cản trở bởi các thể chế quốc tế, đồng minh hay chính sách đối ngoại truyền thống cùng một loạt các trợ lý “cứng rắn” của Mỹ.