Vì sao lá Khat bị xếp vào nhóm ma túy cực kỳ nguy hiểm?

ANTD.VN - Với nhiều đặc tính nguy hiểm, lá Khat bị chính quyền Bắc Mỹ và phần lớn các nước Châu Âu xếp vào nhóm ma túy cực kỳ độc hại, ngang hàng với cocaine, đồng thời cấm mọi hoạt động buôn bán.

Lá Khat (tên khoa học là Catha edulis) còn được biết đến với cái tên “Món trà của bán đảo Arab” là loại cây được trồng nhiều ở các nước vùng nam bán đảo Arab, khu vực Đông Phi như Kenya, Ethiopia, Yemen, đặc biệt là ở Somalia.

Tại Somalia, người ta thường nhai trực tiếp lá Khat tươi hoặc lá đã phơi khô. Ngoài ra, họ còn cuốn lá khô thành thuốc hút, hoặc pha trà hay băm nhỏ và ăn cùng thức ăn. Với giá 0,5-20USD cho một bó lá Khat và lượng tiêu thụ trung bình hàng chục nghìn kilogram mỗi ngày, việc trồng lá Khat thực sự trở thành phương tiện mưu sinh của những người dân ở đất nước nghèo đói nhất thế giới này.

Đàn ông Somalia và nhiều nước châu Phi nhai lá Khat hàng ngày

Người dân Đông Phi và bán đảo Arab đã sử dụng lá Khat từ nhiều thế kỷ với niềm tin rằng lá Khat sẽ giúp họ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người khác giới, đồng thời lá Khat cũng tạo cảm giác hưng phấn cho người dùng chúng. Khi làn sóng di cư bùng nổ, những người dân Châu Phi tới sinh sống tại châu Âu, Bắc Mỹ vẫn giữ nguyên tập quán nhai lá Khat của mình. Không chỉ có vậy, họ còn truyền thói quen này sang những người bản địa. Tại Mỹ, Canada, nhiều học sinh, sinh viên vẫn nhai lá Khat trước khi làm bài thi hoặc ở chỗ tụ tập đông người.

Cực kỳ nguy hiểm

Tuy nhiên, cảm giác hưng phấn không phải là thứ khiến lá Khat bị coi là một loại ma túy nguy hiểm. Chất Cathinone có trong lá Khat có tính chất tương tự ma túy tổng hợp amphetamine nhưng hiệu quả nhanh hơn 15 phút; mức độ độc hại của cathinone cũng gấp nhiều lần so với ma túy đá và các loại ma túy thông thường khác. Tạp chí Live Science xếp Cathinone là một chất gây nghiện. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Y tế Áo WienerKlinische Wochenschrift, việc sử dụng lâu dài lá Khat sẽ dẫn đến chứng mất ngủ, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, trầm cảm, tổn hại gan và bệnh tim. Và khi đó, nguy cơ tử vong vì lá Khat cũng hiện hữu.

Nguy hiểm hơn, chất cathinone tinh chế từ lá Khat nếu đem kết hợp với amphetamine có thể cho ra một loại ma túy có tên Flakka. Flakka có dạng tinh thể giống muối, màu trắng hay hồng nhạt, và mùi như tất đi lâu ngày không giặt. Flakka có tác dụng gây kích thích mạnh hơn rất nhiều. Có thể nói flakka là sự pha trộn giữa cocain và ma túy đá, nên mức độ độc hại, tàn phá của nó đến cơ thể người sử dụng mạnh hơn các loại ma túy thông thường rất nhiều. Người dùng Flakka khó cai hơn nghiện các loại ma túy khác, đồng thời, nguy cơ tử vong vì lá Khat cũng cao hơn.

Khả năng gây nghiện của lá Khat được cho là tương đương cocaine

Garrison Courrtey, phát ngôn viên của Cơ quan quản lý các vấn đề ma túy Hoa Kỳ tuyên bố với tờ Times: “Đây không phải là trà hay cà phê. Những đứa trẻ khi nhai thứ lá này sẽ cảm thấy mình bất khả chiến bại và sẵn sàng cầm súng bắn vào người khác”.

Không chỉ có vậy, nhiều chuyên gia còn cho rằng lá Khat còn liên quan trực tiếp đến tình hình bạo lực ở Somalia. Một nghiên cứu của tạp chí PLOS Medicine đã chỉ ra 36% binh sĩ Somalia có sử dụng lá Khat trước các cuộc giao tranh. Tỷ lệ này ở một số khu vực thậm chí còn cao hơn.

Có bàn tay khủng bố?

Chính vì những tác hại trên, mà ở Bắc Mỹ, phần lớn các nước Châu Âu đã xếp Cathinone vào nhóm ma túy cực kỳ độc hại, ngang hàng với cocaine; đồng thời cấm mọi hoạt động buôn bán lá Khat.

Những lệnh cấm này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng người nhập cư châu Phi cũng như chính người dân tại các quốc gia châu Phi. Họ cho rằng lệnh cấm lá Khat không chỉ chà đạp lên một nền tảng văn hóa tồn tại lâu đời và có ý nghĩa thực sự quan trọng của người châu Phi, mà còn tước đi kế sinh nhai của hàng triệu người dân ở những nước châu Phi luôn chìm trong đói nghèo và khói lửa chiến tranh.

Trong khi nhiều nước đã cấm buôn bán lá Khat, việc mua bán tự do vẫn diễn ra ở châu Phi

Tuy nhiên, chính phủ các nước vẫn tỏ ra vô cùng kiên quyết với loại ma túy cực kỳ độc hại này, đặc biệt ở Anh, nơi gần như đã trở thành trạm trung chuyển của lá Khat đi các nước Châu Âu. Sau một loạt bài của Huffington Post điều tra vai trò của nhóm khủng bố Somalia al-Sabaab đứng đằng sau điều hành toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất tiêu thụ lá Khat ở Châu Âu, chính phủ tỏ ra thực sự cứng rắn với hoạt động buôn bán lá Khat. Năm 2014, Vương quốc Anh chính thức cấm mọi hoạt động buôn bán lá Khat.