Vì sao IS san bằng di sản văn minh nhân loại ở Iraq?

ANTĐ - Cộng đồng quốc tế đã vô cùng phẫn nộ sau khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) liên tiếp đập phá bảo tàng, cướp bóc các cổ vật và san phẳng một số thành phố cổ đại hàng nghìn năm tuổi ở Iraq. Những hành vi đó bị LHQ coi là tội ác chiến tranh. 

Vì sao IS san bằng di sản văn minh nhân loại ở Iraq? ảnh 1Các phiến quân sử dụng búa tạ để phá hủy những bức tượng cổ 
nằm tại Viện bảo tàng Mosul, Iraq

Thiệt hại không gì bù đắp nổi

Một quan chức Iraq cho biết, Bộ Du lịch và Cổ vật nước này đã nhận được báo cáo từ các nhân viên của họ ở thành phố Mosul, miền Bắc Iraq, vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của IS, nói rằng di tích cổ của thành phố Hatra đã bị phá hủy hôm 7-3. Một cư dân sinh sống trong vùng cho biết, đã xảy ra nổ lớn vào sáng sớm 7-3 và một số tòa nhà lớn ở Hatra đã bị IS san phẳng. Tuy nhiên, Bộ Du lịch và Cổ vật chưa xác định được thiệt hại trong vụ việc trên.

Được biết, Hatra là thành phố được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới hồi năm 1987 và cách Mosul khoảng 110km về phía nam. Thành phố này đã trụ lại được qua cuộc xâm lược của La Mã vào năm 116 và 198 sau Công nguyên. Khu đền Hatra chủ yếu thờ thần mặt trời Shamash, các bức tượng và mặt nạ của vị thần này được trang trí rất nhiều trên những bức tường lớn bằng đá vôi và thạch cao. Trước đó, một nhóm cảnh sát Iraq được điều đến để bảo vệ ngôi đền khỏi việc bị cướp phá, tuy nhiên, họ đã buộc phải rời đi sau khi khu vực này rơi vào tay phiến quân IS.

Vụ phá hoại trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi IS phá hủy thành phố Nimrud cổ đại ở miền bắc Iraq, một địa điểm khảo cổ trên sông Tigris ở phía nam Mosul. Theo nhà chức trách Iraq và cư dân địa phương, các phiến quân sử dụng máy móc hạng nặng tiến vào giữa ban ngày, tấn công và san phẳng thành phố. Chúng cướp bóc các cổ vật, được cho là để bán tại thị trường “chợ đen” ở nước ngoài, và san bằng những gì không thể mang đi. 

Trước đó, IS cũng công bố một đoạn video cho thấy các tay súng cướp phá khắp bảo tàng Mosul, đập văng các pho tượng cổ khỏi các bệ trưng bày và dùng búa tạ và máy khoan đập nát chúng thành các mảnh vụn. Trong video còn có hình ảnh phiến quân IS phá hủy biểu tượng con bò có cánh thời Assyrian bằng đá granite ốp trên Cổng Nergal ở Mosul. Một số nhà khảo cổ học cùng chuyên gia về di sản đã so sánh vụ việc trên với việc phiến quân Taliban phá hủy tượng Phật ở Bamiyan, Afghanistan, năm 2001. Họ cho rằng, những thiệt hại này là không thể bù đắp nổi đối với nền văn hóa Iraq và nhân loại. 

Tội ác cần lên án

IS đang thực hiện chiến dịch xóa bỏ các di tích cổ mà chúng coi là “thúc đẩy tư tưởng sùng bái thần và tuyên truyền dị giáo”. Kể từ khi các phần tử IS chiếm lấy một vùng lãnh thổ rộng lớn của Iraq, chúng đã tấn công nhiều địa điểm khảo cổ và tôn giáo. Năm ngoái, các phiến quân đã cho nổ tung 2 ngôi đền cổ ở Mosul và đe dọa phá hủy đền thờ Crooked Minaret 850 tuổi cũng tại thành phố này, nhưng người dân địa phương đã kịp thời ngăn chặn. 

Sau khi xảy ra nhiều vụ phá hoại di sản văn hóa, Bộ Du lịch và Cổ vật Iraq đã lên án những hành động mà IS đã gây ra, cho rằng nhóm này tiếp tục “thách thức ý chí của thế giới và cảm xúc của nhân loại”. “Chúng đang xóa bỏ lịch sử của chúng tôi”, Tiến sĩ Lamia al-Gailani - Nhà khảo cổ Iraq và là chuyên gia về Nimrud nói. Trong khi đó, Giám đốc Tổ chức UNESCO của LHQ tại Iraq, ông Alex Plathe, cáo buộc cuộc tấn công của IS vào Nimrud là “một cuộc tấn công ghê rợn vào di sản của Iraq”. LHQ ví việc phá hoại các di sản cổ của tổ chức cực đoan này như “tội ác chiến tranh”. Những hành động điên rồ và vô lý ấy dù mang danh nghĩa tôn giáo nhưng thực chất việc cướp bóc các di tích khảo cổ còn nhằm tiếp tay cho nạn buôn lậu cổ vật, vốn trực tiếp đóng góp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố.

Để đáp trả lại sự việc gây chấn động mà IS vừa gây ra,  mới đây, Bảo tàng quốc gia Iraq ở Thủ đô Baghdad cũng đã được mở cửa trở lại sau 12 năm ngừng hoạt động. Thủ tướng nước này, ông Haider al-Abadi, cho rằng quyết định trên nhằm thách thức những nỗ lực “phá hủy di sản của nhân loại và nền văn minh của Iraq”.