Vì sao hòa bình bị đe dọa khi Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel?

ANTD.VN - Thành phố Jerusalem luôn là vấn đề nhạy cảm mà các bên hết sức né tránh trong quá trình đàm phán về hòa bình giữa Palestine và Israel trong vài chục năm qua. Vì vậy, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận thành phố này là Thủ đô của Israel có thể sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường.

Những người Palestine biểu tình phản đối công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel

Xung đột tại vùng đất thánh Jerusalem đã tồn tại hàng nghìn năm qua, khi thành phố linh thiêng này bị phá hủy ít nhất 2 lần, bị vây hãm 23 lần, tấn công 52 lần, bị chiếm và chiếm lại 44 lần. Tuy nhiên, nổi bật nhất vẫn là câu chuyện xảy ra trong thế kỷ 20, với căn nguyên từ chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa dân tộc và quan điểm bài Do Thái còn gây tranh cãi đến tận bây giờ. 

Vùng đất bị xâu xé, tranh giành

Trong suốt một thế kỷ từ năm 1917 đến nay, thành phố linh thiêng Jerusalem trở thành vùng đất bị xâu xé, tranh giành không chỉ bởi đủ các sắc tộc như Do Thái, Cơ đốc hay Hồi giáo mà còn bị các thế lực bên ngoài nhòm ngó. “Đối với người Anh, Jerusalem rất quan trọng. Họ là những người định hình Jerusalem là một Thủ đô. Trước đó, nó chẳng là Thủ đô của bất kỳ nước nào cả”, Giáo sư Yehoshua Ben-Arieh, nhà sử học thuộc trường Đại học Hebrew (Mỹ) nhận định. 

Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo công dân

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước này công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6-12 đã đưa ra “Cảnh báo Toàn cầu” tới tất cả công dân Mỹ đang du lịch nước ngoài. Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo công dân Mỹ nên tránh tới Thành cổ Jerusalem và Bờ Tây, đề phòng trước phản ứng tiêu cực nổ ra sau lời tuyên bố của Tổng thống Trump. “Cảnh báo Toàn cầu” khuyên người dân Mỹ “duy trì cảnh giác cao độ và có những hành động phù hợp nhằm nâng cao nhận thức an ninh khi đi du lịch”. Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo, “ngoài những lo ngại từ chủ nghĩa khủng bố, du khách Mỹ cũng nên cảnh giác trước các vụ bạo động, biểu tình bạo lực, các hành vi phạm pháp. Đặc biệt phải theo dõi sát sao tin tức địa phương và duy trì liên lạc với các đại sứ quán, lãnh sự quán Mỹ gần nhất”. Khuyến cáo cũng ghi rõ: “Các cơ sở của Chính phủ Mỹ trên toàn thế giới duy trì tình trạng báo động cao độ”. 

Trong ba thập kỷ dưới sự cai trị của Vương quốc Anh, Jerusalem chứng kiến sự di dân ồ ạt của những người Do Thái, mang theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái, trong khi người Arập bản địa dần thích nghi với thực tế rằng đế quốc Ottoman đã sụp đổ. Việc phản đối sự di dân của người Do Thái đã gây ra một số cuộc nổi dậy đẫm máu từ người Palestine. 

Sau chiến tranh năm 1947, Liên hợp quốc (LHQ) công nhận kế hoạch phân chia 2 nhà nước - một Do Thái, một Arập - với Jerusalem dưới quyền cai trị của một “chế độ quốc tế đặc biệt”. Người Arập phản đối kế hoạch của LHQ, và một ngày sau khi Israel tuyên bố giành độc lập năm 1948, các quốc gia Arập tấn công đất nước non trẻ này. Tuy nhiên, họ đã thất bại.

Jerusalem bị chia cắt: nửa phía Tây trở thành một phần của quốc gia mới Israel, trong khi nửa phía Đông, bao gồm thành cổ, được Jordan kiểm soát. Tuy nhiên, sau cuộc chiến chớp nhoáng Sáu Ngày vào năm 1967, Israel chiếm luôn cả Đông Jerusalem và sáp nhập vào quốc gia Do Thái. Năm 1980, các nhà lập pháp Israel thông qua một dự luật tuyên bố “Jerusalem, hoàn chỉnh và thống nhất, là Thủ đô của Israel”, động thái này khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ. 

Từ nhiều thập kỷ qua, cộng đồng quốc tế không thay đổi lập trường về quy chế của Jerusalem. LHQ không công nhận việc Israel sáp nhập Đông Jerusalem và tuyên bố đạo luật 1980 của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế. Nghị quyết 478 của LHQ năm 1980 kêu gọi các nước có cơ quan ngoại giao tại Jerusalem rời khỏi thành phố. Sau đó, khoảng 30 nước lần lượt chuyển trụ sở đến thành phố Tel Aviv. Costa Rica và Salvador là hai nước cuối cùng rời khỏi Jerusalem năm 2006. Theo lập trường của LHQ, quy chế cuối cùng của Jerusalem phải do các bên liên quan đàm phán.

Vấp phải sự phản đối cả ở trong nước

Năm 1989, Israel cho Mỹ thuê một mảnh đất tại Jerusalem để đặt đại sứ quán với hợp đồng kéo dài 99 năm kèm chi phí thuê là… 1 USD/năm. Đến nay, khu vực cho thuê này vẫn là mảnh đất trống. Năm 1995, Quốc hội Mỹ thông qua luật yêu cầu chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem. Từ đó đến nay, qua các đời Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama, yêu cầu này luôn bị từ chối vì lý do lợi ích an ninh quốc gia.

Cứ 6 tháng một lần, ông chủ Nhà Trắng lại sử dụng quyền khước từ của Tổng thống để tránh việc phải di dời đại sứ quán. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump miễn cưỡng ký vào điều khoản này lần đầu tiên vào tháng 6-2017. Cuối cùng, ngày 6-12-2017, chủ nhân Nhà Trắng công nhận Jerusalem là “Thủ đô của Nhà nước Israel”, theo đúng tuyên bố trong thời gian ông vận động tranh cử.

Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Donald Trump được cho là đã vấp phải sự phản đối từ chính trong nội bộ nước Mỹ. Reuters ngày 6-12 dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã phản đối việc dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem. Hãng AP cũng đưa tin cả ông Tillerson và ông Mattis đều nêu mối quan ngại về sự nguy hiểm với các nhà ngoại giao và quân đội Mỹ ở các nước Hồi giáo.

Trong khi đó, gần như toàn bộ 11 cựu Đại sứ Mỹ tại Israel được báo The New York Times hỏi ý kiến sau quyết định của Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, đều cho rằng kế hoạch này là sai lầm và nguy hiểm. Ông Daniel C. Kurtzer, Đại sứ Mỹ tại Israel từ năm 2001 đến năm 2005, dưới thời Tổng thống George W. Bush đánh giá: “Có nhiều bất lợi, cả về phương diện ngoại giao và trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Chúng ta đang bị cô lập trên trường quốc tế một lần nữa”.

Ông Richard H. Jones, Đại sứ Mỹ tại Israel từ năm 2005 đến năm 2009, thì cảnh báo rằng các nhóm như Hamas và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ lợi dụng vấn đề để kích động bạo lực, đồng thời dự đoán rằng chính quyền Palestine sẽ đẩy mạnh các nỗ lực quốc tế để tẩy chay và lên án Israel. Ông cho biết trong một email: “Đây là một động thái gây rủi ro, không còn nghi ngờ gì nữa sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người Israel và khu vực, đặc biệt khi những người định cư Israel sử dụng nó để biện minh cho việc thúc đẩy hoạt động của họ thêm nữa”.

Một cuộc thăm dò ý kiến các vấn đề quan trọng của Đại học Maryland công bố vào ngày      1-12 cho thấy, 63% người Mỹ phản đối di chuyển đại sứ quán tới Jerusalem, bao gồm 44% đảng viên Cộng hòa. 

Triển vọng hòa bình thêm xa vời

Vì sao hòa bình bị đe dọa khi Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel? ảnh 2Một người đàn ông Palestine và nữ binh sĩ Israel canh gác tại cổng Thành cổ Damascus Gate ở Jerusalem

Ngày 7-12, những người biểu tình Palestine đã đụng độ với quân đội Israel ở Bờ Tây. Theo BBC, những người biểu tình hô vang khẩu hiệu “Jerusalem là Thủ đô của Nhà nước Palestine” và đốt lốp xe, ném gạch đá vào các binh sĩ Israel. Quân đội Israel đã bắn đạn cao su và hơi cay để đáp trả và giải tán biểu tình. Thậm chí ở Dải Gaza, quân đội Israel dùng đạn thật để đáp trả việc người biểu tình ném gạch đá qua hàng rào phân cách.

Theo quân đội Israel, một quả tên lửa phóng đi từ Dải Gaza đã phát nổ bên trong lãnh thổ phía Nam của Israel. Các cuộc đụng độ khiến ít nhất 104 người Palestine bị thương, trong đó một số người trong tình trạng nguy kịch. Trước tình hình này, quân đội Israel đã triển khai thêm hàng trăm binh sĩ và điều động thêm các xe tăng đến Bờ Tây.

Trước đó vào năm 2000, sau chuyến thăm của nhà chính trị cánh hữu Ariel Sharon tới Thành cổ Jerusalem, bạo lực đã nổ ra và dẫn tới cuộc nổi dậy thứ hai của người Palestine khiến ít nhất 3.000 người Palestine và 1.000 người Israel thiệt mạng trong 5 năm. Các nước Arập cảnh báo, quyết định của Tổng thống Trump có thể hủy hoại nỗ lực hòa đàm Trung Đông, đẩy Trung Đông vào cuộc chiến không hồi kết.

Tuấn Anh (Theo The Hill)