Vết thương chiến tranh khó lành ở Mosul

ANTD.VN - Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq đã trở thành thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau khi đội quân khủng bố chiếm đóng khu vực này tháng 6-2014. Mosul hiện giờ đã được giải phóng, nhưng vẫn còn một cuộc nội chiến khác giữa những người ở lại và những ai đã trải qua biến cố trong 3 năm qua.

Lực lượng an ninh Iraq trên đường phố Mosul chỉ vài ngày sau khi đánh đuổi hết IS 

Ngày IS tấn công Mosul, Wassan, một nữ bác sĩ trẻ tuổi di chuyển liên tục trong bệnh viện Jimhoriya khi bệnh nhân ùn ùn tới. Wassan vừa tốt nghiệp trường y nhưng chưa có kinh nghiệm điều trị chấn thương, vì thế cô cố gắng bằng sự nhiệt tình của mình. Tối hôm đó, người bị thương nằm tràn ra hành lang bệnh viện. Wassan ngủ qua đêm trong bệnh viện, dù cha mình liên tục gọi điện thoại giục cô về.

Sáng hôm sau, khi các tòa nhà gần đó bị phá hủy, nhiều bác sĩ và bệnh nhân và xe cứu thương di tản về phía đông thành phố. Họ nghe tin tức, Tỉnh trưởng Mosul và các tướng lĩnh cao cấp đã bỏ chạy, phía Tây Mosul thất thủ. Cha Massan gọi bảo cô về ngay, gia đình sẽ tới nơi an toàn ở Erbil, trong vùng tự trị người Kurd. Không thể bỏ mặc bệnh nhân, Massan nói với cha để hộ chiếu của cô lại và cả nhà cứ đi trước. Ba ngày sau cuộc đụng độ đầu tiên, những phiến quân IS xuất hiện. 

Hai chế độ phân biệt đẳng cấp

Đội quân đi theo IS có 2 dạng chính: những người tham gia để được hưởng lợi, còn lại là vì lý do tôn giáo. Thành phần của chúng thì đủ loại, từ người dân các bộ tộc nhỏ, cư dân ở Mosul, thầy tu đến đội quân thánh chiến người nước ngoài hay cựu binh Iraq… IS đã thưởng cho “những người anh em” của mình bằng quyền lợi vật chất như người đến từ vùng nông thôn được ở trong những khu phố giàu có của Mosul, người nước ngoài được tặng thêm phụ nữ còn quan chức được trao quyền hạn mà họ đã mất sau năm 2003. 

Có thể nói, hệ thống quản lý hành chính mà IS đã dựng lên tại Mosul phân biệt 2 cấp rõ rệt: Một dành cho “những người anh em” vốn đi theo IS và một cho thường dân. Nơi nào cũng thế, ngay cả bệnh viện. “Các thành viên IS và gia đình chúng được điều trị tốt nhất và được đáp ứng đầy đủ thuốc men, trong khi dân thường buộc phải mua thuốc chữa bệnh cho mình từ chợ đen”, Massan nói. “Chúng tôi bắt đầu ghét công việc của mình. Bác sĩ phải đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, nhưng chúng tôi bị buộc phải điều trị cho chúng. Tôi cảm thấy ghê tởm với chính bản thân mình”. 

“Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) quy định, tội trộm cắp bị phát hiện sẽ mất một bàn tay, điều hành một bệnh viện tự do tại nhà là nổi loạn, có thể bị xử tử. Bất chấp những điều đó, bác sỹ trẻ Massan vẫn âm thầm chống đối, làm công việc cứu người ngay giữa thành trì Mosul bị IS chiếm đóng. Vậy mà sau giải phóng, cô bị coi như một “kẻ đồng lõa” với IS”.

Trước những gì đã xảy ra, Massan cố bỏ trốn nhưng đã quá muộn. Người mà cô nhờ đưa đi trốn bị bắt, cảnh sát ập vào nhà Wassan, tịch thu điện thoại của cô và thông báo cô bị theo dõi. Với quy định 3 ngày vắng mặt tại bệnh viện có nghĩa là cô sẽ bị bắt vì bỏ trốn, Massan hiểu không thể bỏ việc và cô quyết định “nổi loạn”.

Bệnh viện bí mật

Trước khi quân đội Chính phủ và IS giao tranh lớn, các loại thuốc trong bệnh viện bắt đầu khan hiếm. “Vì vậy, tôi bắt đầu thu thập bất cứ thứ gì có thể mang về nhà. Tôi xây dựng một mạng lưới với các dược sĩ có thể tin tưởng. Tôi bắt đầu thu thập thiết bị của các bác sĩ cho đến khi có được bộ dụng cụ phẫu thuật đầy đủ ở nhà. Tôi thậm chí có thể thực hiện kỹ thuật gây tê toàn thân”, Massan kể. 

Khi thông tin về bệnh viện bí mật của Massan được rỉ tai nhau, người dân đến tìm cô và số thuốc kiếm được nhanh chóng hết. Chỉ còn thuốc trong kho dự trữ, nhưng do IS kiểm soát. Massan lấy cớ dùng thuốc điều trị cho bệnh nhân của chúng, mỗi liều cô lại lấy thành 5. Sau một thời gian, IS phát hiện kẽ hở này và không còn cho phép các bác sỹ vào kho thuốc. 

Đáng nói, khi Mosul bị IS chiếm đóng, Chính phủ Iraq vẫn trả lương cũng như đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho một bộ phận nhân viên Nhà nước bị kẹt tại đây. Nhưng khi Iraq ngừng trả lương cho nhân viên Chính phủ tại Mosul, hầu hết mọi người ngừng làm việc, riêng đội ngũ bác sỹ và kỹ sư được coi là cần thiết nên được lệnh phải tiếp tục làm và được trả bằng 1/10 lương cũ.

Để vận hành bộ máy, IS thu ngân sách bằng cách tăng thuế hay tăng các khoản tiền phạt, ví như người hút thuốc lá nơi công cộng sẽ bị phạt tiền bằng giá chợ đen tương đương số thuốc lá bị tịch thu. Căng thẳng leo thang khi Mỹ và các đồng minh không kích vào các xe tải nhiên liệu di chuyển giữa các mỏ dầu ở Iraq và Syria, triệt nguồn thu nhập của IS. Lúc này, bệnh viện mà Wassan làm việc bị IS chiếm trọn. Bệnh viện tại nhà của bác sỹ Massan lại trở thành nơi chào đời của hơn 10 em bé hay phẫu thuật cứu người với trợ lý là mẹ cô, một y tá lớn tuổi.

Không chỉ bị thương tích, nhiều trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo ở Mosul đã không qua khỏi vì thiếu thuốc

Hố ngăn cách sau ngày giải phóng

Chiến dịch giải phóng Mosul diễn ra trong nhiều tháng. Vài tuần, các lực lượng Chính phủ Iraq lại giải phóng thêm một khu phố mới. Trong khi đó, bộ máy cai trị của IS vẫn hoạt động như thu phí, phân phối thực phẩm và thực thi các quy tắc nghiêm ngặt về tôn giáo, kể cả việc để râu. 

Điều đầu tiên mà Wassan làm khi lính Iraq giải phóng khu phố nơi cô ở là đến nhà một bệnh nhi ung thư máu 8 tuổi, đưa em lên xe đi về khu vực phía Bắc Erbil mong em được cứu sống vì em đã không có bất kỳ viên thuốc nào trong 3 tuần. Một tuần sau, đứa trẻ đã chết. Trở lại bệnh viện, cô chứng kiến các bức tường nham nhở vì đạn pháo, thiết bị hỏng hết, không còn thuốc men gì.

Đối với Wassan, IS bị đánh bại ở Mosul là điều buồn vui lẫn lộn. Sau khi đến Baghdad để kiểm tra chuyên ngành, cô được thông báo công việc của cô trong bệnh viện trong 3 năm qua không được coi là “hoạt động tích cực”, có nghĩa cô không được hành nghề nữa. “Tôi lại trở về với số không. Tất nhiên, chúng tôi tức giận nếu tiếp tục bị đối xử như thể tất cả chúng tôi là IS”.

Massan chia sẻ, hiện giờ còn một cuộc nội chiến khác trong thành phố giữa những người ở lại và những ai đã trải qua biến cố, đau khổ trong 3 năm qua. Người di tản hay nhiều người khác nói những người như Massan “đồng lõa” với IS trong khi những người kẹt ở Mosul cho rằng mọi người không trải qua thì sẽ không hiểu được. Giá như thời gian có thể quay trở lại năm 2014, nhưng chuyện đó là không thể!