Venezuela: Chật vật trong khó khăn và bất ổn

ANTĐ - Thiếu lương thực, thiếu điện, giá cả tăng vọt, tình trạng tội phạm gia tăng… đang khiến cuộc sống của nhiều người dân Venezuela vô cùng cơ cực. Những khó khăn này chưa có dấu hiệu chấm dứt khi Venezuela đang phải trải qua suy thoái, lạm phát cao nhất thế giới.

Người dân Thủ đô Venezuela xếp hàng bên ngoài một siêu thị hy vọng có thể mua được những đồ thiết yếu

Không dám mang tiền đi mua hàng vì sợ cướp

Dự án nhà ở Villa Poligono gần San Félix ở bang Bolivar của Venezuela là nơi mà Tổng thống Nicolas Maduro từng “ghi điểm” đối với công chúng. Hình ảnh vị Tổng thống mỉm cười nổi bật trên tấm áp phích lớn treo ở lối vào khu vực chủ yếu những ngôi nhà gỗ được dựng lên. Dự án Poligono là một phần chương trình Gran Mision Vivienda của chính phủ nhằm giúp những người khó khăn có nhà ở mà không mất tiền thuê theo khẩu hiệu “nhà tử tế cho người dân”.

Tuy nhiên, những tuần qua, một vài cư dân ở đây đã ra đường tham gia biểu tình. Cô Anna   Karrenna, 44 tuổi nói: “Như vậy đã quá đủ với chúng tôi, điều này phải chấm dứt”. Người phụ nữ này có nhiều điều phải phàn nàn. Hầu hết nhà ở đây không có nước.

Khi cư dân được nhận chìa khóa năm 2014, họ được thông báo là sẽ sớm được cung cấp nguồn nước sạch nhưng việc này không hề diễn ra. Gần đây, hạn hán khiến Venezuela không sản xuất được đủ điện, dẫn đến tình trạng mất điện kéo dài nhiều giờ diễn ra thường xuyên. Thời gian cắt điện nhiều đến nỗi công chức chỉ đi làm 2 ngày mỗi tuần.

Tuy nhiên, điều khiến cô Anna Karrena và hàng xóm của cô phải lên tiếng bày tỏ sự bất bình là việc khan hiếm nhu yếu phẩm như gạo, xà phòng, thuốc. Không thể chịu được tình trạng giá cả tăng vọt tại chợ đen, Karrena phải xếp hàng nhiều giờ, đôi khi là từ sáng sớm, chỉ để mua thực phẩm. Không chỉ Karrena, điều đó đã trở thành việc thường ngày đối với hầu hết người dân Venezuela. 

Tình trạng còn tồi tệ hơn khi giá dầu thế giới giảm mạnh, Venezuela là nước xuất khẩu dầu lớn khiến nền kinh tế nước này lâm vào tình trạng khó khăn. Venezuela đang phải vật lộn với cuộc suy thoái lớn với tỷ lệ lạm phát đứng đầu thế giới và điều này làm cho nguồn tài chính cạn kiệt, thậm chí ngân sách cho việc in tiền mới cũng không đủ.

Thủ đô Caracas của Venezuela đã trở thành một trong những thành phố có tỷ lệ tội phạm cao nhất thế giới. Trong khi xếp hàng chờ tới lượt mua thực phẩm, người dân phải để tiền ở nhà, sau đó gọi người thân mang tiền ra lúc sắp trả tiền để tránh bị cướp. Tình trạng cướp bóc xảy ra như cơm bữa, các băng nhóm thường ăn trộm bột mì, thịt gà, thậm chí là cả đồ lót. Quốc gia này cũng là nơi có tỷ lệ giết người đứng thứ hai thế giới. 

Những nỗ lực mong manh

Trước tình hình rối ren như trên, Chính phủ Venezuela đã nỗ lực ứng phó, bao gồm việc điều chỉnh múi giờ nhanh hơn nửa tiếng, đóng cửa trường học vào các thứ sáu, để công chức nghỉ ở nhà thêm 3 ngày mỗi tuần và thậm chí đưa ra cả những mẹo tiết kiệm năng lượng… Trên truyền hình, ông Maduro đã khuyên phụ nữ “không sử dụng máy sấy tóc hoặc có sấy thì chỉ  một nửa thời gian so với bình thường”.

Gần đây, Venezuela đã chứng kiến các cuộc biểu tình diễn ra. Phe đối lập đòi Tổng thống Nicolas Maduro phải từ chức sớm. Ông Maduro cũng thực hiện một giải pháp nhằm củng cố quyền lực của mình. Ông tuyên bố Venezuela đang ở trong tình trạng khẩn cấp để có thể can thiệp vào cả nền kinh tế tư nhân và nhà nước, cho phép quân đội đảm nhiệm việc phân phát thực phẩm.