“Văn hóa súng đạn” - thủ phạm gây ra các vụ thảm án ở nước Mỹ

ANTĐ - “Ngày thứ sáu kinh hoàng” chỉ là một trong rất nhiều vụ thảm sát kinh hoàng trên đất Mỹ. Đây cũng là vụ thảm sát lớn thứ 2 trong lịch sử thảm sát học đường của quốc gia này trong vòng 15 năm trở lại đây. Thảm sát người vô tội đã trở thành vấn nạn không giải quyết nổi của Hoa Kỳ.

Một số vụ thảm sát kinh hoàng

Ngày 14-12 vừa qua, vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook, thị trấn Newtown, bang Connecticut đã gây chấn động nước Mỹ. Tổng cộng đã có 26 người chết (trong đó có 20 trẻ em từ 5 - 10 tuổi và 6 giáo viên của trường). Thế nhưng, vụ thảm sát học đường lớn thứ 2 tại quốc gia này trong vòng 20 năm qua chỉ là một trong rất nhiều vụ thảm sát diễn ra như cơm bữa trên đất Mỹ.

Vụ thảm sát đẫm máu nhất diễn ra vào ngày 16-4-2007 tại Đại học công nghệ Virginia ở thành phố Blacksburg, bang Virginia, Hoa Kỳ đã làm 32 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Thủ phạm là Seung-Hui Cho, một sinh viên Anh ngữ năm cuối, bị nghi ngờ là mắc chứng rối loạn lo âu nặng từ khi còn học ở trường trung học đã tự sát ngay sau đó.

Đứng thứ 3 là vụ thảm sát xảy ra vào thứ Ba ngày 20-4-1999 tại Trường trung học Columbine, quận Jefferson, thành phố Denver bang Colorado. Thủ phạm gây ra vụ tàn sát này là hai học sinh đang ở tuổi thiếu niên là Eric Harris và Dylan Klebold. Chúng đã dùng súng giết chết 13 người (1 giáo viên, 12 học sinh), làm bị thương 24 người khác rồi tự sát.

Vào tháng 6/2012, vụ xả súng tại Trường Cao đẳng thiên chúa giáo Oikos ở thành phố Oakland cũng đã cướp đi sinh mạng của 7 người vô tội và khiến 1 người khác bị thương, thủ phạm là cựu sinh viên điều dưỡng One Goh đã bắn chết 1 sinh viên đứng bên cạnh mình rồi nổ súng bừa bãi vào lớp học.

Seung-Hui Cho - thủ phạm vụ thảm sát đẫm máu nhất diễn ra vào ngày 16/4/2007
tại Đại học công nghệ Virginia làm 32 người thiệt mạng 

4 năm sau, trường Đại học công nghệ Virginia lại chứng kiến một sự việc bi thảm khác. Ross Truett Ashley, sinh viên trường Radford đã nổ súng giết chết viên cảnh sát Deriek Crouse, sau đó bỏ chạy và tự sát tại một bãi đỗ xe gần đó.

Những vụ thảm sát trên diễn ra trong vòng 15 năm qua, còn trong lịch sử Hoa Kỳ đã ghi nhận nhiều vụ thảm sát đẫm máu khác như: Vụ thảm sát tại Trường tiểu học Bath năm 1927 và vụ giết chóc tại Đại học Texas năm 1966.

Trong năm nay, vào ngày 20/07/2012 cũng đã diễn ra vụ xả súng tại buổi công chiếu bộ phim The Dark Knight Rises ở thành phố Aurora, tiểu bang Colorado, Hoa Kỳ khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và 58 người khác bị thương.

“Văn hóa súng đạn”của người Mỹ

Từ sau vụ thảm sát tại Trường trung học Columbine năm 1999, nhà chức trách Mỹ đã chi hàng triệu USD cho các thiết bị dò kim loại, camera an ninh và kế hoạch ứng phó khẩn cấp, nhưng điều đó dường như là vô nghĩa. Ông Bill Bond, một chuyên gia về an toàn trường học, nhận định với hãng tin Reuters: “Nhà trường không thể nào ngăn chặn được vụ thảm sát nếu không biết trước rằng hung thủ đang đến. Ngay cả nhân viên an ninh và các cánh cửa khóa chặt cũng không thể ngăn được kẻ sát nhân thì làm sao giáo viên và học sinh có thể tự bảo vệ mình được?”

Một giờ sau khi vụ xả súng, Tổng thống Barack Obama được cố vấn an ninh quốc gia John Brennan thông báo về vụ việc. Tất cả các trường học ở Newtown đều được lệnh đóng cửa để đảm bảo an toàn cho các học sinh và giáo viên. Để tỏ lòng tiếc thương các nạn nhân, ông Obama đã ra lệnh treo cờ rủ tại Nhà Trắng, Chủ tịch Hạ viện John Broehner cũng quyết định treo cờ rủ tại các tòa nhà Quốc hội, còn tại thị trấn Newtown, hàng trăm người đã tham dự một buổi lễ thắp nến tưởng niệm nạn nhân ở nhà thờ. Tại cuộc họp báo sau đó ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rơi lệ khi kêu gọi những hành động kiên quyết và có ý nghĩa nhằm ngăn những thảm kịch tương tự tái diễn. 

Thị trấn Newtown, bang Connecticut treo cờ rủ để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ thảm sát

Vụ thảm sát học đường đẫm máu nói trên đã làm sống lại cuộc tranh luận lâu nay về việc luật kiểm soát súng, cũng như thực trạng sử dụng vũ khí tràn lan tại đất nước này. Hiểu rõ sự nhạy cảm này, bản thân ông Obama không nhắc gì về luật sở hữu và kiểm soát súng tại cuộc họp báo nói trên, trong lúc người phát ngôn Nhà Trắng kêu gọi gác các cuộc tranh luận mang màu sắc chính trị sang một ngày khác.

Thái độ này đã vấp phải sự chỉ trích của những người ủng hộ tăng cường kiểm soát súng ống ở Mỹ. Thị trưởng New York - Michael Bloomberg đã kêu gọi Tổng thống và Quốc hội phải đưa ra những hành động tức thì để chấm dứt tình trạng bạo lực do súng ống gây ra, các phương tiện truyền thông và người dân Mỹ cũng kêu gọi phải xiết chặt luật kiểm soát súng đạn, thậm chí xóa bỏ luật sở hữu súng đạn.

Từ trước đến nay, cứ sau mỗi vụ thảm sát lại nổ ra rất nhiều cuộc tranh luận gay gắt về tình trạng bạo hành có vũ khí, luật kiểm soát súng, các thiếu sót trong mạng lưới sức khỏe tâm thần… thế nhưng sau đó mọi việc vẫn y nguyên như cũ, luật sở hữu súng đạn và luật kiểm soát súng của Mỹ vẫn còn tồn tại do những áp lực từ các hiệp hội súng đạn Mỹ, đứng đầu là Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA).

Sự dễ dàng trong sở hữu vũ khí đã khiến súng đạn trở thành phương tiện giải quyết tất cả các mâu thuẫn, giải tỏa các uất ức cá nhân, phương tiện chứng tỏ cái tôi và các tư tưởng bệnh hoạn của những kẻ đầu óc hoang tưởng, trở thành một thứ văn hóa đặc thù của xã hội Mỹ - “văn hóa súng đạn”. Quyền được sở hữu và sử dụng súng đạn được quy định trong hiến pháp vô hình trung trở thành quyền “tự do” sử dụng súng và các vụ thảm sát cứ tiếp tục tiếp diễn.

Tại cuộc họp báo sau vụ thảm sát, tổng thống Mỹ Obama đã gạt nước mắt khi chia sẻ nỗi đau với những thân nhân các em nhỏ thiệt mạng sau vụ thảm sát, thế nhưng điều mà người dân Mỹ cần là những động thái cương quyết và cứng rắn chứ không phải là những giọt nước mắt. Đã bao nhiêu đời Tổng thống Mỹ đã khóc như ông Obama nhưng hiện trạng đau lòng này vẫn cứ tiếp diễn, người dân Mỹ ở bất cứ nơi đâu, bất cứ địa điểm nào cũng luôn nơm nớp một điều, không biết sinh mạng mình có thể bảo đảm đến lúc nào?

Những giọt nước mắt của ông Obama liệu có xóa bỏ được những vụ thảm sát không?

Chừng nào Mỹ không chịu xóa bỏ các điều luật “tự do, dân chủ” về súng đạn, chừng đó thảm trạng này vẫn còn tiếp diễn và người dân của một một đất nước luôn vỗ ngực tự cho là “tự do, dân chủ” nhất thế giới, chuyên đi rao giảng nhân quyền cho các nước khác vẫn không được bảo đảm quyền sống và quyền con người, sinh mạng có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào. Bao nhiêu đời Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục rơi lệ?