Vai trò đầu tàu thúc đẩy đoàn kết trong ASEAN của Việt Nam

ANTD.VN - Dù là thành viên đi sau nhưng Việt Nam giờ đã vươn lên thành người dẫn dắt, định hướng phát triển của ASEAN, đồng thời đóng vai trò là đầu tàu thúc đẩy đoàn kết thống nhất trong khu vực.

Vai trò đầu tàu thúc đẩy đoàn kết trong ASEAN của Việt Nam ảnh 1Quang cảnh lễ khởi động Năm Chủ tịch Asean 2020 của Việt Nam

Gắn kết nhau vì mẫu số chung “lợi ích”

Thuyết trình với chủ đề “Những mục tiêu của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020” tại buổi tòa đàm do Viện nghiên cứu ngoại giao và quan hệ đối ngoại Malaysia (IDFR) tổ chức, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh khẳng định Việt Nam dành ưu tiên cao nhất trong việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng gắn kết và vững mạnh. Nội hàm của “gắn kết” là củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực và thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN.

Trong lịch sử quan hệ quốc tế nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, sự tồn tại và phát triển của ASEAN trong hơn 50 năm qua là minh chứng sinh động cho sự thành công của một mô hình hợp tác khu vực. Từ xuất phát điểm là một hiệp hội với 5 thành viên ra đời trong bối cảnh chia rẽ của Chiến tranh Lạnh, ASEAN đã phát triển, mở rộng thành viên và trở thành cộng đồng của 10 quốc gia Đông Nam Á. Từ cơ cấu hợp tác có tính tiểu khu vực, nay ASEAN đã trở thành “hạt nhân” đóng vai trò “trung tâm” trong các cơ chế hợp tác và cấu trúc của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, quy tụ hầu như tất cả các nước lớn cũng như nhiều tổ chức khu vực và toàn cầu.

Với 647 triệu dân, ASEAN lớn hơn Liên minh châu Âu (EU) về mặt dân số. Trong giai đoạn từ 2015 - 2018, nhờ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trung bình ở mức 4,8 - 5,3%/năm, cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 3,1%, ASEAN đã trở thành một tác nhân kinh tế quan trọng, có thể sánh như đại cường kinh tế thứ 5 thế giới và thứ ba châu Á nhờ tổng GDP năm 2019 gần 3 nghìn tỷ USD. Dự kiến đến năm 2030, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc và EU.

Về chính trị, cho đến nay, gần 90 quốc gia ngoài ASEAN đã cử Đại sứ tại ASEAN. Các đối tác của ASEAN, đặc biệt là các nước lớn, đều mong muốn ASEAN phát huy vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác ở khu vực. Có thể nói, những diễn đàn, cơ chế như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) mở rộng… đều do ASEAN thành lập và dẫn dắt.

Điều gì đã giúp một mô hình của các quốc gia nhỏ, tiềm lực không lớn, nhưng lại viết nên câu chuyện thần kỳ về sự thành công như vậy? Rất nhiều đúc kết đã được rút ra, nhưng bài học đáng giá nhất là sự đoàn kết, thống nhất, gắn kết nhau để mang lại mẫu số chung về lợi ích.

5 chất keo dính để xây dựng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng

Cũng như ASEAN, sự tham gia của Việt Nam trong tổ chức khu vực này là câu chuyện thành công trong nỗ lực hội nhập. Bước ra từ chiến tranh, là nước gia nhập sau, nhưng bằng nỗ lực bền bỉ và sự chân thành, ngày nay Việt Nam đã trở thành một trong những thành viên chủ chốt của ASEAN với những đóng góp tích cực và hiệu quả. Dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN có thể thấy thông qua nỗ lực hiện thực hóa ý tưởng mở rộng ASEAN lên 10 thành viên, cùng ASEAN vượt qua giai đoạn khó khăn của khủng hoảng tài chính khu vực, tổ chức thành công các hội nghị cấp cao ASEAN, mở rộng quan hệ với các đối tác ngoài khu vực…

Đó chính là lý do để khu vực đặt niềm tin vào Việt Nam, nhất là trong năm 2020, khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Hiện nay, trước sự biến đổi không ngừng của tình hình mới và sự phát triển của chính ASEAN, các nước thành viên phải giải quyết một câu hỏi là làm sao để tạo được cách thức duy trì sức sống, sức hấp dẫn, động lực của ASEAN trong một chu kỳ vận động mới.

Thêm vào đó, nằm giữa trung tâm của cuộc cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị gay gắt giữa hai cường quốc ở Thái Bình Dương là Mỹ và Trung Quốc, lựa chọn cách quan hệ như thế nào là vấn đề đầy thách thức với ASEAN. Làm sao củng cố và duy trì vai trò trung tâm của mình ở khu vực, không chỉ ở châu Á - Thái Bình Dương, mà có thể ở phạm vi lớn hơn trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc, xu thế bảo hộ gia tăng chính là đi tìm lời giải cho câu hỏi: ASEAN sẽ tận dụng thời cơ và vị thế của mình thế nào?

Những gì ASEAN đã đạt được, giờ đây Việt Nam cần phải phát huy, thúc đẩy xây dựng cộng đồng vững mạnh hơn. Với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã vạch ra 5 ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN của mình. Đó là đoàn kết và thống nhất; tăng cường lợi ích kinh tế; thúc đẩy các giá trị chung; tăng cường quan hệ đối tác; nâng cao năng lực thể chế.

Đây chính là 5 chất keo dính cần thiết để xây dựng một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Kinh nghiệm 25 năm tham gia ASEAN cùng nỗ lực và trách nhiệm trước cộng đồng sẽ giúp Việt Nam hoàn thành vai trò lãnh đạo ASEAN trong năm Chủ tịch ASEAN, góp phần xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất, tự tin, hội nhập sâu rộng và đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực và thế giới.