Vạch trần lời nói dối vụ thảm sát Gwangju qua tài liệu giải mật của CIA

ANTD.VN - Thảm sát Gwangju - tên gọi của cuộc nổi dậy của dân chúng ở thành phố Gwangju, Tây Nam Hàn Quốc từ ngày 18 đến 27-5-1980. Trong suốt giai đoạn này, người dân Gwangju đã chống lại sự độc tài của Tổng thống Chun Doo-hwan và nắm quyền kiểm soát thành phố. 

Tổng thống Moon Jae-in (giữa) an ủi thân nhân của một gia đình nạn nhân thảm sát Gwangju khi tham gia lễ tưởng niệm ngày 18-5-2017

Cuộc nổi dậy đã biến thành vụ thảm sát đẫm máu, khi quân đội Hàn Quốc theo lệnh của ông Chun Doo-hwan sử dụng hỏa lực, điều động xe tăng, máy bay chiến đấu đến Gwangju. Vụ việc dẫn tới 207 người thiệt mạng, 2.392 người bị thương và 987 người mất tích từ cả phía người dân, quân đội và cảnh sát. 

Ngày 3-10-2017, Viện Nghiên cứu quan hệ Mỹ - Hàn (địa chỉ tại 1740 Massachusetts Ave,Washington, D.C) đã công bố những bức điện mật của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Tình báo Quân đội (DIA) và báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan đến vụ việc này.

Nỗi đau của một bà mẹ mất con trong vụ thảm sát

Triều Tiên đứng ngoài vụ nổi loạn

Một trong những tài liệu được công bố hấp dẫn hơn tất cả là báo cáo của CIA về một cuộc họp bí mật do lãnh tụ Triều Tiên Kim Il Sung chủ trì tại Dinh Chủ tịch ở Bình Nhưỡng vào ngày 19-5-1980, ngày thứ hai của cuộc nổi dậy ở Gwangju. Theo CIA, mục đích của cuộc họp là thảo luận về “hành động của Triều Tiên” liên quan đến cuộc nổi dậy. Quân đội nhân dân Triều Tiên có nên can thiệp hay không?

Thông tin tình báo này thu được từ biện pháp nghe trộm sóng điện tử. Kết luận đó được củng cố thêm bởi các ký hiệu trên bức điện mật cho thấy lực lượng Tình báo và An ninh thuộc Lục quân Mỹ (INSCOM), điều hành nhiều trạm nghe của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) trên toàn thế giới, nhận được từ Trạm Arlington Hill nổi tiếng ở miền Bắc Virginia.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Kim và các cố vấn đã quyết định “không can thiệp vào cuộc nổi loạn tại Hàn Quốc. Nếu nổi dậy ở Gwangju phát triển thành một cuộc cách mạng trên toàn quốc, đó là thời điểm, Triều Tiên sẽ tham chiến, nhưng nếu không thì vẫn giữ được thế trung lập”.

Bức điện còn có đoạn ghi nhận từ phía Hàn Quốc cho thấy không có hành động đáng kể nào từ phía Triều Tiên can thiệp vào cuộc nổi loạn. Những tuyên bố này có vẻ phủ nhận bất kỳ ý kiến cho rằng cuộc nổi dậy đã được “tổ chức” bởi Triều Tiên, như tuyên bố của ông Chun và các đồng minh cánh hữu của mình.

Bản báo cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Seoul ngày 9-5-1980

Thực tế, các quan chức Mỹ coi vụ Gwangju là cuộc nổi dậy ở bản địa thể hiện rõ trong các ghi chép tại một cuộc họp cấp cao tổ chức tại trụ sở CIA ngày 23-5-1980 và mô tả trong báo cáo mới được giải mật từ cơ sở dữ liệu tình báo có tên “CREST” đưa ra vào đầu năm 2017.

Cuộc họp do ông Frank Carlucci, Phó Giám đốc của CIA chủ trì cùng Richard Lehman, nhân viên CIA nổi tiếng, người chuyên đánh giá và phân tích thông tin cho các báo cáo hàng ngày của Tổng thống từ đời John Fitzgerald Kennedy tới Reagan. Nội dung cuộc họp này tập trung phân tích động thái của Triều Tiên.

Quân đội Hàn Quốc bắt giữ những người tham gia vụ nổi loạn

Không nghi ngờ về tin tức tình báo phản ánh hoạt động của nhà lãnh đạo Kim Il Sung và cuộc họp bí mật ở Bình Nhưỡng, Lehman nhắc nhở Carlucci rằng: “Nếu Chính phủ Hàn Quốc mất quyền kiểm soát, cơ hội sẽ đến ngay khi Triều Tiên can thiệp. Nhưng căn cứ vào tình hình hiện tại, không thấy có bất cứ dấu hiệu bất thường nào diễn ra ở Triều Tiên”. Richard Lehman cũng lưu ý CIA cần cảnh giác với tình hình hiện tại.

Hơn nữa, tình báo quân đội Mỹ dường như không coi trọng ý kiến của Tổng thống Chun về sự tham gia của Triều Tiên vào cuộc nổi loạn. Trong báo cáo mật của DIA ngày 2-6-1980, nói rõ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc bắt giữ một thành viên bí mật của Triều Tiên tham gia kích động người biểu tình ở Gwangju. DIA kết luận: “Các dữ liệu một chiều và bị bóp méo. Hàn Quốc đang vin vào cáo buộc có sự xâm nhập của Triều Tiên để biện minh cho hành động đàn áp”.

Mỹ làm ngơ

Một bức điện ngoại giao ngày 9-5-1980 được giải mật cho thấy Đại sứ Mỹ tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc lúc đó là ông William Gleysteen đã gặp ông Chun Doo-hwan để thảo luận các biện pháp đối phó với các cuộc biểu tình của người dân đang nổ ra trên khắp đất nước.

Trong bức điện này, Đại sứ Gleysteen nói với ông Chun Doo-hwan rằng, Mỹ sẽ không phản đối các kế hoạch khẩn cấp của quân đội Hàn Quốc trong việc duy trì trật tự và còn khuyên, nếu trong tình thế cấp bách, quân đội nên được tăng cường cảnh sát quốc gia để giải quyết. Mỹ sẵn sàng làm ngơ trước bất kỳ giải pháp nào giúp cho đồng minh thân cận tránh rơi vào tình trạng hỗn loạn, gây nên tình thế bất lợi cho chính sách ngoại giao cũng như lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại khu vực.

Chính vì vậy mà Mỹ đã đưa ra tuyên bố “không hề biết” việc ông Chung Doo-hwan điều động Sư đoàn Biệt động số 7 cùng xe tăng và xe bọc thép đến Gwangju. Các tài liệu được giải mật sau này cũng khẳng định việc điều động Sư đoàn này cùng với các khí tài hạng nặng đến Gwangju đã được báo cáo về Lầu Năm Góc trong một bức điện 10 ngày trước khi xảy ra vụ thảm sát.

Chính sách của Tổng thống đương nhiệm

Không phải ngẫu nhiên mà vụ việc Gwangju đột nhiên đưa vào tâm thức người Hàn Quốc một cách chính thống.  Bộ phim nổi tiếng nhất hiện nay về đề tài này ở Hàn Quốc là “A Taxi Driver” - một câu chuyện có thật về Jurgen Hinzpeter - phóng viên ảnh người Đức đã chụp những hình ảnh đầu tiên về cuộc tấn công của quân đội Tổng thống Chun nhằm vào người dân Gwangju, với sự trợ giúp của một lái xe taxi ở Seoul.

Bộ phim thu hút hơn 12 triệu người xem, trở thành bộ phim nổi tiếng thứ 10 của quốc gia này. Phim được chiếu rộng rãi ngày 13-8-2017 sau một buổi công chiếu với sự góp mặt của Tổng thống Moon Jae-in và bà Edeltraut Brahmstaedt, vợ góa của phóng viên Hinzpeter (ông qua đời vào năm 2016). Phim trở thành đề cử hạng mục phim nước ngoài hay nhất tại Lễ trao giải Oscar năm tới và đưa câu chuyện Gwangju đến với khán giả toàn cầu.

Cùng với việc kể lại cuộc tàn sát qua bộ phim, ghi lại những hình ảnh sâu sắc trong tâm trí của công chúng. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gần đây đã ra lệnh cho Chính phủ điều tra về sắc lệnh của ông Chun cho phép bắn người biểu tình ở Gwangju. Ngày 18-5 vừa qua, khi tham dự lễ kỷ niệm quốc gia về cuộc nổi dậy tại nghĩa trang ở vùng ngoại ô thành phố của Gwangju, ông Moon tuyên bố: “Sự thật của Gwangju là một cơn thịnh nộ mà tôi không thể bỏ qua”.

Ngay trong lần tuyên bố điều tra toàn diện về vụ thảm sát, ông Moon đã dừng chân tại Gwangju tham gia cùng người dân địa phương hát vang “March of the Beloved” - bài hát nổi tiếng dành những chiến binh ngã xuống ở Gwangju. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng sẽ điều tra các báo cáo chỉ ra rằng binh lính được lệnh bắn những người phản đối từ máy bay trực thăng và lệnh ban hành từ Bộ Tư lệnh khi ấy chuẩn bị điều máy bay chiến đấu đến đàn áp cuộc nổi dậy.

Kết nối của Triều Tiên với vụ Gwangju là tất yếu vì dưới sự quản lý bảo thủ của những người tiền nhiệm ông Moon, Lee Myung-bak và Park Geun-hye thuộc cánh hữu đã cố gắng giảm ảnh hưởng cuộc nổi dậy. Chính ông Chun cho rằng cuộc nổi dậy này được quân đội Triều Tiên bí mật tổ chức và như thế đây là cuộc nổi dậy xứng đáng bị cưỡng ép bằng bạo lực.

Lý thuyết này được lan truyền bởi các nhóm cánh hữu, những người cho rằng họ có bằng chứng về hình ảnh của các sĩ quan Triều Tiên xâm nhập cùng người dân chiến đấu chống lực lượng thiết quân luật của Chun. 

Mặc dù, phần lớn những lời nói dối bị vạch trần, nhưng chúng vẫn để lại đau đớn sau những gì Gwangju phải hứng chịu năm 1980. Trong bối cảnh ấy, những tài liệu của Mỹ vừa công bố rất quan trọng, thậm chí có thể giúp giải quyết một số vấn đề mà cuộc điều tra do Chính phủ đặt ra về một trong những bị kịch đau thương nhất của lịch sử Hàn Quốc.