Vạch mặt "Chiến thuật vùng xám" leo thang trên Biển Đông

ANTD.VN - Soi chiếu vào thực tế căng thẳng cùng những hành động ngày càng hung hăng trên Biển Đông của Trung Quốc, hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia pháp lý tham dự cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông ở Hà Nội đã vạch rõ những toán tính đằng sau cái gọi là “chiến thuật vùng xám” sinh ra từ tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trong Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) phối hợp Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức, hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia về luật pháp quốc tế, nhất là luật pháp quốc tế về đại dương… đã dành thời gian hai ngày với nhiều phiên thảo luận chuyên sâu để đánh giá, phân tích về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là những căng thẳng thời gian qua, từ đó đưa ra những khuyến nghị, giải pháp.

Vạch mặt "Chiến thuật vùng xám" leo thang trên Biển Đông ảnh 1Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 (bên phải) với sự hộ tống của các tàu vũ trang và tàu cá trá hình (bên trái) xâm phạm chủ quyền vùng biển bãi Tư Chính của Việt Nam thời gian vừa qua

Nhận diện “chiến thuật vùng xám” trên Biển Đông

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm tại hội thảo là “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc trên Biển Đông. “Chiến thuật vùng xám” được hiểu phổ biến trên thế giới là hoạt động gây hấn, cưỡng chế, làm gia tăng căng thẳng nhưng lại duy trì nó ở dưới ngưỡng xung đột quân sự thông thường.

Nhìn nhận chung, giới chuyên gia cho rằng các “chiến thuật vùng xám” được sử dụng nhằm thay đổi lại một số vấn đề, hiện trạng ở khu vực hoặc trên trường quốc tế. Các quốc gia có tiềm lực vượt trội khi muốn hiện thực hóa lợi ích, tham vọng của mình nhằm thay đổi thực tế hiện tại luôn không ngần ngại sử dụng “chiến thuật vùng xám” để đạt những lợi ích đó mà không leo thang xung đột thành chiến tranh, không vượt qua lằn ranh đỏ. Họ đạt được lợi ích cục bộ của mình mà không phải chịu các biện pháp trừng phạt hay rủi ro mà sự leo thang đó mang lại. 

“Chiến thuật vùng xám” thường là một chiến thuật tổng thể, diễn ra liên tục từ ngấm ngầm đến phô trương lực lượng, với những cách thức sử dụng đa dạng, từ tấn công mạng, tuyên truyền truyền thông, chiến tranh chính trị, áp bức và phá hoại kinh tế, leo thang đe dọa bằng sức mạnh, vũ lực… Đi kèm với nó là việc “gây nhiễu thông tin” để che giấu dưới các thông tin sai lệch, lừa dối... 

Phân tích cụ thể hơn, các chuyên gia và học giả tham dự hội thảo “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” cho rằng “chiến thuật vùng xám” thường được các nước lớn sử dụng nhằm mở rộng kiểm soát không gian biển, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp, nhưng dưới ngưỡng chiến tranh để không gây ra xung đột quân sự. “Chiến thuật vùng xám” vì thế hoàn toàn là một mưu đồ và hoạt động có chủ đích rõ ràng hòng “lách luật” quốc tế để tránh bị lên án, chứ không phải do luật quốc tế thiếu quy định hoặc quy định thiếu chặt chẽ như một số cường quốc thường biện minh khi tiến hành.

Theo yêu sách đơn phương “đường lưỡi bò 9 đoạn”, Trung Quốc đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Những diện tích mà Trung Quốc đòi chủ quyền theo yêu sách này và sau này họ gọi là học thuyết “Tứ Sa” ăn sâu vào vùng biển thuộc chủ quyền các bên liên quan khác, trong đó có những khu vực biển hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam cũng như một số nước liên quan ở Biển Đông. Từ tham vọng độc chiếm Biển Đông đã sinh ra “chiến thuật vùng xám” mà Trung Quốc dùng sức mạnh vượt trội của mình so với các bên liên quan khác để thực thi thời gian qua trên Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc đã đòi chủ quyền phi lý và phi pháp để biến những vùng biển hoàn toàn nằm thuộc chủ quyền nước khác và hoàn toàn không có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp, theo lý lẽ của họ. 

Tuy nhiên, căn cứ pháp lý duy nhất mà Trung Quốc viện dẫn để đòi chủ quyền trên Biển Đông đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA), căn cứ vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), đã bác bỏ trong phán quyết đưa ra hồi tháng 7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines. Các quốc gia và dư luận thế giới từ trước tới nay chưa bao giờ công nhận yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” của Trung Quốc. Mới đây nhất, trong báo cáo “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy tầm nhìn chung” công bố ngày 4-11 vừa qua,  Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chủ quyền dựa vào bản đồ “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông đã được chứng minh là vô căn cứ, phi pháp và bất hợp lý. Mỹ lên án Trung Quốc có nhiều hành động khiêu khích nhằm củng cố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý, “dọa nạt” các nước trong khu vực bằng sự bất ổn và nguy cơ xung đột.

Sức mạnh hợp tác quốc tế chặn tham vọng ở Biển Đông

Bất chấp bị vạch mặt và lên án, song Trung Quốc thời gian qua vẫn leo thang triển khai “chiến thuật vùng xám” trên Biển Đông trong toan tính biến vùng biển thuộc chủ quyền nước khác, vùng biển hoàn toàn có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp, thậm chí còn ngang nhiên tuyên bố đó là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc. “Chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc bắt đầu leo thang khi nước này cho giàn khoan Hải Dương 981 cùng đội tàu hộ tống vũ trang phi quân sự, gồm tàu hải cảnh, hải giám và đặc biệt là đội tàu cá trá hình… xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam năm 2014. Theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu C4ADS tại Mỹ, lúc cao điểm có tới khoảng 30 tàu thương mại dân sự được cho là hiện diện quanh giàn khoan Hải Dương 981, trong đó chỉ có 10 tàu có thể xác định danh tính. Báo cáo được đăng trên trang của Trung tâm an ninh hàng hải quốc tế (CIMSEC) cho biết đã có ít nhất 3 tàu Trung Quốc tiến hành các hành vi phun nước, đâm va và rượt đuổi các tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ quyền chủ quyền của Việt Nam. 

“Chiến thuật vùng xám” leo lên nấc thang mới nguy hiểm khi Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm sâu và kéo dài tới hơn 3 tháng, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10-2019, vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính.

Trao đổi với báo chí tại hội thảo “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, Giáo sư Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Australia) cho rằng, việc Trung Quốc sử dụng “chiến thuật vùng xám” ở Biển Đông khiến nguy cơ đối đầu, va chạm trên biển gia tăng; tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh trong khu vực; các nước bị ảnh hưởng buộc phải có đối sách. Theo vị giáo sư được xem là một trong những chuyên gia hàng đầu về an ninh khu vực này, để ngăn chặn “chiến thuật vùng xám” cũng như các hành động gây hấn, leo thang căng thẳng ở Biển Đông, Mỹ và một số đồng minh đang và sẽ tăng cường tuần tra tự do hàng hải, bao gồm việc cử tàu chiến, máy bay ném bom tới gần các khu vực mà Trung Quốc đang có các hoạt động đơn phương, đi ngược lại luật pháp quốc tế, nhất là Công ước UNCLOS năm 1982. 

Ngoài ra, để đối phó với những hành động gây hấn từ Trung Quốc tại Biển Đông, Giáo sư Luật Hàng hải quốc tế James Kraska (Trung tâm Luật Quốc tế thuộc Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng, các nước trong khu vực cần thảo luận để dẹp bỏ những bất đồng, đi đến thống nhất về vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông; đồng thời cần mở rộng giao lưu, hợp tác về thương mại, ngoại giao và quân sự với các nước trên thế giới… để nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong việc phản đối những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc thời gian qua. Các quốc gia khu vực và thế giới có lợi ích gắn bó với Biển Đông cần cân bằng ảnh hưởng, thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ, nhất là tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế, trong đó đặc biệt là Công ước UNCLOS 1982.