Vaccine và phương pháp điều trị Covid-19 cần được cung cấp miễn phí cho mọi người

ANTD.VN - Nhiều nguyên thủ và cựu nguyên thủ quốc gia trên thế giới đã ký bức thư có nội dung nhấn mạnh rằng bất kỳ vaccine cũng như phương pháp điều trị bệnh Covid-19 an toàn và hiệu quả không thể trở thành độc quyền mà đều cần phải được cung cấp miễn phí cho tất cả người dân trên thế giới.

Vaccine và phương pháp điều trị Covid-19 cần được cung cấp miễn phí cho mọi người ảnh 1

Thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 tại phòng thí nghiệm ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Thủ tướng Pakistan Imran Khan nằm trong danh sách hơn 140 người ký bức thư có nội dung nhấn mạnh rằng bất kỳ vaccine nào cũng không thể trở thành độc quyền và chúng phải được chia sẻ cho các quốc gia. Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) - cơ quan hoạch định chính sách của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ triệu tập phiên họp toàn thể thường niên vào tuần tới. Các bên ký kết vào bức thư trên đã kêu gọi WHA triệu tập họp vì lý do trên.

Theo nội dung bức thư, các Chính phủ và đối tác quốc tế phải thống nhất rằng khi một loại vaccine an toàn và hiệu quả được phát triển, nó sẽ nhanh chóng được sản xuất quy mô lớn và có sẵn cho tất cả mọi người, ở tất cả các quốc gia và miễn phí. Điều này cũng được áp dụng đối với toàn bộ phương pháp điều trị, chẩn đoán cũng như các công nghệ khác liên quan tới Covid-19. Bức thư cũng có chữ ký của Tổng thống Senegal Macky Sall, Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo và nhiều cựu Tổng thống cũng như Thủ tướng các nước trên thế giới.

Động thái trên diễn ra sau khi Thứ trưởng Tài chính Pháp Agnes Pannier-Runacher cùng ngày cho biết: Không thể chấp nhận được Tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Pháp Sanofi ưu tiên cung cấp vaccine phòng Covid-19 cho thị trường Mỹ trước tiên nếu hãng này tìm ra loại vaccine đó. Trước đó, Giám đốc điều hành Sanofi Paul Hudson cho biết, Mỹ sẽ được tiếp cận với vaccine phòng Covid-19 đầu tiên vì nước này đã hỗ trợ kinh phí nghiên cứu vaccine.

Trong diễn biến liên quan, tại Ấn Độ, hai nhóm hoạt động về y tế đã gửi thư lên Chính phủ Ấn Độ kiến nghị hủy bỏ giấy phép độc quyền bào chế thuốc kháng virus Remdesivir đã trao cho Công ty Gilead Sciences (Mỹ) để loại thuốc này được phân bổ công bằng hơn cho các bệnh nhân Covid-19 trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước nghèo. Gilead Sciences được cấp 3 giấy phép độc quyền bào chế Remdesivir từ năm 2009 khi loại thuốc này đang được phát triển để điều trị cho bệnh nhân Ebola. Giấy phép này có hiệu lực đến năm 2035.

Vaccine phải được sử dụng cho người dân toàn cầu

Vaccine và phương pháp điều trị Covid-19 cần được cung cấp miễn phí cho mọi người ảnh 2

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Nga

Giám đốc điều hành Tập đoàn Dược phẩm của Pháp Sanofi - ông Paul Hudson cho rằng châu Âu cần phải chia sẻ nhiều hơn những rủi ro trong phát triển vaccine phòng Covid-19. Phát biểu với tờ Financial Times, ông Paul Hudson cho biết Mỹ có mô hình chia sẻ rủi ro cho phép sản xuất bắt đầu ngay cả trước khi vaccine được phê duyệt thông qua các lần thử nghiệm khoa học, trong khi châu Âu lại không có. Ông Hudson nhấn mạnh châu Âu cần có kế hoạch trợ cấp cho việc phát triển vaccine để đảm bảo rằng Sanofi có thể hỗ trợ sản xuất vaccine tại châu Âu và phần còn lại của thế giới. 

Sanofi đang vướng vào vụ tranh cãi với Chính phủ Pháp sau khi ông Hudson tuyên bố Mỹ sẽ được ưu tiên nhận vaccine phòng Covid-19 nếu hãng này bào chế thành công vì quốc gia này đã đầu tư vào quá trình nghiên cứu. Tuyên bố đó của ông Hudson đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ giới chức Pháp. 

Phủ Tổng thống Pháp nêu rõ vaccine phải được sử dụng cho dân chúng toàn cầu, chứ không liên quan đến các yếu tố thị trường. Sau đó, Tập đoàn Sanofi dường như đã thay đổi quan điểm. Sanofi giải thích vaccine được sản xuất trên đất Mỹ sẽ phục vụ cho thị trường Mỹ, còn vaccine vẫn sẽ được bào chế ở Pháp và cung cấp cho thị trường châu Âu. 

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 khỏi bệnh nhờ điều trị bằng huyết tương

Ủy ban Y tế TP St.Petersburg ngày 15-5 cho biết một bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị bằng huyết tương của người từng khỏi bệnh ở thành phố này đã xuất viện. Thông báo của Ủy ban trên cho biết: “3 bệnh nhân mắc Covid-19 thể nặng được truyền huyết tương của người từng khỏi bệnh tại Bệnh viện thành phố số 40 ở quận Kurortny - đều có chuyển biến tích cực về sức khỏe.

Đặc biệt, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đầu tiên có sự cải thiện đáng kể vào ngày thứ hai sau khi được truyền huyết tương, sang ngày thứ ba ông ấy được chuyển ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt và đã xuất viện”. Ông Evgeny Garbuzov, chuyên gia chính về gây mê và hồi sức của bệnh viện trên đã bày tỏ rất hài lòng với kết quả nghiên cứu đầu tiên này. Ông nhấn mạnh liệu pháp điều trị bằng huyết tương miễn dịch lấy từ bệnh nhân từng mắc Covid-19 đã cho kết quả tốt và đội ngũ bác sĩ ở đây sẽ tiếp tục lựa chọn những người hiến tặng huyết tương để tiếp tục mở rộng phương pháp điều trị này.