Uy tín và kinh nghiệm sẽ giúp Việt Nam trúng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

ANTD.VN - Chỉ vài ngày nữa, Khóa họp thứ 73 Đại Hội đồng Liên hợp quốc sẽ tổ chức bầu 5 ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà Việt Nam là một trong các ứng cử viên với tư cách là đại diện duy nhất cho nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Uy tín và kinh nghiệm sẽ giúp Việt Nam trúng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ảnh 1Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Là một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an (HĐBA) gồm 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và 10 thành viên không thường trực. 10 ghế không thường trực HĐBA được phân theo khu vực địa lý và do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu với nhiệm kỳ 2 năm.

Với vai trò đặc biệt quan trọng là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế nên HĐBA có quyền hạn rất lớn. Trong khi các cơ quan khác của Liên hợp quốc chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị thì các quyết định và nghị quyết của HĐBA đều mang tính chất ràng buộc, tất cả các thành viên của Liên hợp quốc phải tôn trọng và có trách nhiệm thi hành.

Chính vì thế, được tham gia HĐBA không chỉ là vinh dự mà còn là cơ hội để khẳng định uy tín, vị thế mà bất cứ quốc gia nào cũng hướng tới. Từng trải qua các cuộc chiến tranh, chịu nhiều đau thương, mất mát để giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, hơn ai hết Việt Nam hiểu rõ cái giá của chiến tranh và sự cần thiết phải ngăn ngừa chiến tranh. Việt Nam còn là một tấm gương được thế giới ghi nhận trong nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh và giải quyết hậu quả chiến tranh. 

Kinh nghiệm quá khứ, thành tựu của sự nghiệp Đổi mới đầy ấn tượng cùng mong muốn trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế đã giúp Việt Nam trở thành thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009. Dù mới lần đầu tham gia nhưng với nỗ lực và trách nhiệm, Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực vào hoạt động gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển và thịnh vượng trên thế giới.

10 năm sau lần thử sức đầu tiên, Việt Nam lại một lần nữa đứng trước cơ hội trở thành thành viên cơ quan uy tín và quyền lực nhất của Liên hợp quốc với nhiệm kỳ hai năm (2020-2021), kể từ ngày 1-1-2020. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh an ninh thế giới, có thể thấy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, dòng chảy chính và lợi ích chung của các nước. Tuy nhiên, thế giới vẫn phải đối mặt với những thách thức an ninh, những vấn đề phức tạp nảy sinh bởi mâu thuẫn, tham vọng và sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là các nước lớn.

Có thể nói gần như tháng nào HĐBA cũng phải đặt lên bàn nghị sự các cuộc khủng hoảng như tình hình bạo lực ở châu Phi như ở Cộng hòa Trung Phi, Mali, Congo; rồi cuộc chiến chưa có hồi kết giữa Israel và Palestine, sự gia tăng căng thẳng giữa Iran và Mỹ, chiến sự kéo dài ở Syria và Yemen, tình hình căng thẳng trên Biển Đông… 

Thực tế đó đòi hỏi HĐBA và các nước thành viên phải rất nỗ lực trong vai trò mà thế giới trao gửi. Với tư duy mới về đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” sang “chủ động và tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cùng các quốc gia trong khu vực và quốc tế xây dựng và thực hiện các cơ chế hợp tác, tham gia các diễn đàn đa phương; tổ chức thành công Hội nghị APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều Tiên lần thứ hai...

Đó là cơ sở để Việt Nam tin tưởng đủ sức đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã nhận được cam kết ủng hộ bằng văn bản của hơn 120 nước và khoảng 30-40 nước cam kết ủng hộ miệng. Theo quy định, chỉ cần được 2/3 số phiếu ủng hộ là trúng cử, nên có thể nói khả năng trúng cử của Việt Nam là rất cao, nhất là khi Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khu vực châu Á Thái Bình Dương mà không có đối thủ.