Ủy ban châu Âu không "theo đuôi" Mỹ trong vấn đề Venezuela

ANTD.VN - Trái với thái độ cứng rắn của Mỹ, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), đã thẳng thừng từ chối công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là Tổng thống lâm thời của Venezuela.

Ủy ban châu Âu không "theo đuôi" Mỹ trong vấn đề Venezuela ảnh 1 Tổng thống lâm thời Venezuela Juan Guaido không nhận được sự ủng hộ của Ủy ban châu Âu

Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do liên minh này không công nhận việc Chủ tịch Quốc hội Venezuela Guaido tự phong làm “tổng thống lâm thời”, người phát ngôn EC nhấn mạnh, mục đích của cơ quan này là tập trung vào những diễn biến thực tế ở Venezuela. Quan chức này đồng thời kêu gọi thực hiện một tiến trình chính trị, có thể hướng đến các cuộc bầu cử mới tại quốc gia Nam Mỹ này.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố công nhận ông Juan Guaido là Tổng thống Venezuela lâm thời. Thậm chí ông Trump còn để ngỏ khả năng dùng đến vũ lực nhằm bảo đảm đạt được kết quả mong muốn tại Venezuela. Chính vì thế, việc châu Âu - đồng minh thân cận của Mỹ lại có quan điểm trái ngược khiến người ta phải đi tìm nguồn cơn của vấn đề. 

Thực ra trong cuộc khủng hoảng ở Venezuela, không phải lúc nào châu Âu cũng hùa theo thái độ của Mỹ. Cùng chia sẻ quan điểm Venezuela cần cải thiện dân chủ, nhất là sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 5-2018 mà cả Mỹ và châu Âu đều cho là có “nhiều điều bất thường”, nhưng trong khi Washington tuyên bố không công nhận ông Maduro thắng cử Tổng thống Venezuela, thì châu Âu chỉ dừng ở các biện pháp trừng phạt gây sức ép.

Thậm chí ngay cả khi Washington tỏ rõ thái độ muốn thay đổi chế độ ở Venezuela, châu Âu vẫn duy trì cách tiếp cận riêng của mình. Trái với các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Mỹ, tháng 8 năm ngoái, châu Âu quyết định thông qua gói viện trợ 35 triệu euro nhằm giúp chính quyền Venezuela giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước, vốn là nguyên nhân gây ra một trong những làn sóng người dân rời bỏ đất nước lớn nhất trong lịch sử khu vực Mỹ Latinh.

Vấn đề là ở chỗ châu Âu hiểu quyết định can thiệp mạnh vào Venezuela của ông Trump được thúc đẩy bởi những lo ngại về chính trị nội bộ Mỹ. Florida, nơi có nhiều người Venezuela lưu vong ủng hộ phe đối lập trong nước, lâu nay luôn nổi tiếng là tiểu bang mà tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đều không chênh lệch nhau bao nhiêu. Vì nhóm người Venezuela lưu vong ở đây rất quan trọng trong việc quyết định kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm sau nên ông Trump muốn lấy lòng số cử tri này. 

Nếu nhìn rộng ra thì lâu nay quan hệ Mỹ - châu Âu cũng không phẳng lặng. Ngay từ khi ông Trump bước chân vào Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã phải nhiều phen “đứng ngồi không yên” trước những phát ngôn của tân Tổng thống Mỹ. Đơn cử như trước sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit), ông Trump đã có nhiều phát ngôn gây sốc kiểu như “Tôi tin rằng sẽ có nhiều nước châu Âu khác ra khỏi EU theo gương của Anh”.

Bao năm là đồng minh thân cận, bỗng nhiên ông Trump tung ra một loạt động thái như những “gáo nước lạnh” dội vào châu Âu, như đe dọa xem xét lại mối quan hệ với EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Rồi ông đình chỉ cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), một thỏa thuận về tự do thương mại giữa EU và Mỹ, và áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch, áp thuế tới 25% đối với xe nhập khẩu từ các nước châu Âu, động thái được cho sẽ gây ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bên.

Sau những tuyên bố và hành động “gây sốc” như vậy từ Nhà Trắng, trong mắt EU, Mỹ dường như không còn là đối tác tin cậy và những tuyên bố về “tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương” hóa ra chỉ là những “lời nói đầu môi”. Châu Âu thực sự phải “tự mình nắm lấy vận mệnh của chính mình” chứ dại gì mà cứ “theo đuôi” Mỹ mà chẳng được lợi gì.