Ứng dụng công nghệ khiến Pakistan tăng số người nhiễm HIV

ANTD.VN - Trong khi công nghệ phần nào hỗ trợ cuộc chiến chống lại HIV và AIDS ở nhiều quốc gia thì ở Pakistan, nó đã dẫn tới gia tăng số ca nhiễm HIV trong giới trẻ, như các chuyên gia y tế và các nhà hoạt động xã hội cảnh báo.

Ứng dụng công nghệ khiến Pakistan tăng số người nhiễm HIV ảnh 1

Ứng dụng công nghệ mới cùng với yếu kém trong tuyên truyền, giáo dục về HIV đã khiến tỷ lệ nhiễm HIV ở Pakistan gia tăng 

“Tác dụng phụ” của ứng dụng hẹn hò

Các ứng dụng di động và truyền thông xã hội đã mở ra cách thức mới cho những giao tiếp xã hội ở quốc gia Nam Á Pakistan. Chỉ riêng đối với giới đồng tính nam và gái mại dâm, điện thoại thông minh giúp họ được tự do hơn về đời sống tình dục, đồng thời tìm kiếm bạn tình cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không ý thức được nguy cơ lây nhiễm HIV, kết quả là tỷ lệ lây lan của virus này tăng lên đột ngột ở Pakistan trong 10 năm qua. 

Cụ thể, trong giai đoạn từ 2005-2015, số người Pakistan sống chung với HIV tăng từ 8.360 người lên gần 46.000 ca - tăng 17,6% mỗi năm, so với tỷ lệ 2,2% trên toàn thế giới. “Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV ở nam giới gia tăng đáng lo ngại do họ dễ dàng tiếp cận các ứng dụng hẹn hò, vì sự tiến bộ trong công nghệ và các tiện ích không đắt tiền”, Sophia Furqan, một cán bộ cấp cao Chương trình Kiểm soát AIDS Quốc gia của Pakistan nói.

Gần đây, ông Furqan có tham gia thực hiện một cuộc khảo sát về tình trạng nhiễm HIV, trong đó khoảng 39% số người được hỏi cho biết họ đã tìm được bạn tình bằng cách sử dụng các ứng dụng di động. Ở các nước đang phát triển khác, công nghệ đã giúp phát hiện các ca nhiễm virus HIV nhanh hơn và người bệnh cũng tiếp cận việc điều trị dễ dàng hơn. Nhưng ở Pakistan, những cuộc tranh luận công khai về HIV rất hiếm hoi, bàn về đồng tính luyến ái là chủ đề cấm kỵ và do đó, thông tin về các bệnh lây truyền qua đường tình dục rất hạn chế.

Anh Yasir, 41 tuổi tâm sự, anh hành nghề mại dâm 7 năm trước để hỗ trợ gia đình 10 thành viên của mình. Trải qua 4 năm, Yasir mới tìm hiểu HIV là gì - thông qua một chương trình truyền hình Ấn Độ. “Ngay khi biết có một căn bệnh như thế, tôi đã vội vã đến phòng khám để xét nghiệm”, anh nói. Nhưng đến lúc đó thì đã quá muộn. Yasir đã sống với HIV được 3 năm. Anh đã đủ hiểu về biện pháp tránh lây nhiễm bệnh qua đường tình dục nhưng không dám nói với bất cứ ai rằng anh mắc căn bệnh thế kỷ. 

Thiếu giáo dục và hiểu biết xã hội

7 năm trước, ở tuổi 19, Ayan bắt đầu bán dâm để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cha Ayan qua đời khi cậu còn nhỏ, mà cậu lại là con trưởng. Công việc kiếm tiền này đã thay thế cho kế hoạch học đại học của Ayan. Cách đây 2 năm, ngay sau khi hiểu về HIV và AIDS, thanh niên này cũng nhận được chẩn đoán nhiễm HIV. Tuy nhiên, anh ta vẫn tiếp tục công việc của mình. Đối với Ayan, ứng dụng và phương tiện truyền thông xã hội đã cho phép anh ta tiếp cận khách hàng an toàn hơn.

 Câu chuyện không hề mới, bởi các chuyên gia về sức khỏe ở Anh và Mỹ từng cảnh báo rằng, các ứng dụng hẹn hò có thể dẫn đến sự gia tăng các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đơn cử như các ứng dụng Tinder và Grindr làm cho người ta dễ dàng sắp xếp các cuộc hẹn hò với đối tác không quen biết.

 Thêm vào đó, giáo dục giới tính ở các trường học của Pakistan thiếu trầm trọng. Theo chuyên gia Furqan, chỉ có 8,6% nam giới được khảo sát trong cuộc điều tra gần đây cho biết có sử dụng biện pháp bảo vệ trong quan hệ tình dục đồng giới.

Ông Raza Haidar, quản lý chương trình của tổ chức phi Chính phủ Dostana ở Lahore, thành phố lớn thứ hai của Pakistan cho biết: “Không nghi ngờ gì rằng các ứng dụng di động và truyền thông xã hội đã thúc đẩy sự lây lan của các bệnh lây truyền qua đường tình dục”.

Thừa nhận quan hệ đồng tính từ trước đến nay vẫn tồn tại nhưng ông Haidar cũng khẳng định, công nghệ đã làm cho việc tiếp cận người lạ thuận tiện hơn, đặc biệt đối với nam giới. Hơn thế, nhận thức về quan hệ đồng tính trong xã hội Pakistan vẫn còn khá mờ nhạt, một nam giới và một phụ nữ trong cùng một phòng lập tức khiến người xung quanh nghi ngờ nhưng nếu là hai người đàn ông, người ta chỉ nghĩ họ là bạn bè.