Ukraine đối mặt với nguy cơ nội chiến

ANTĐ - Tình trạng bất ổn đang leo thang mạnh mẽ tại Đông Nam Ukraine. Chính quyền Kiev đe dọa sẽ sử dụng vũ lực để thiết lập lại trật tự ở miền đông Ukraine, những binh sĩ có vũ trang cùng xe bọc thép đang di chuyển về khu vực này sau khi chính quyền Kiev đưa ra tối hậu thư cho những người biểu tình thân Nga. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ngoài việc khuyến cáo Kiev không nên dùng vũ lực đối với những người nói tiếng Nga ở Ukraine thì cũng cảnh báo về một lực lượng lính đánh thuê nước ngoài và gần 150 chuyên gia an ninh của Mỹ đang có mặt ở quốc gia Đông Âu này. Theo giới phân tích quốc tế, nếu như Ukraine sử dụng vũ lực tình hình tại khu vực Đông Nam Ukraine có nguy cơ sẽ biến thành cuộc nội chiến quy mô lớn.

Cuộc họp bàn để giải quyết tình trạng căng thẳng ở Miền Đông 
cũng khiến các nghị sĩ Ukraine đánh nhau túi bụi

Nga không hề có kế hoạch mở rộng thêm lãnh thổ

Căng thẳng tăng cao trên toàn khu vực đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát ở nhiều thành phố miền đông Ukraina. Những người biểu tình tại Luhansk, Donetsk, Kharkov chiếm nhiều tòa công sở, tuyên bố kế hoạch thành lập “Nhà nước Cộng hòa” độc lập và đề nghị được trưng cầu dân ý để tách khỏi chính quyền trung ương thêm quyền tự quyết với vai trò là một phần trong thể chế liên bang ở Ukraine hay xem xét việc gửi đơn xin sáp nhập Nga.

Theo các chuyên gia chính trị quốc tế, cuộc trưng cầu ý dân, nếu được tổ chức bình thường thì đa số sẽ ủng hộ ý kiến của những người chủ xướng đã đưa ra, bày tỏ mong muốn gia nhập Liên bang Nga. Vấn đề là kết quả của nó có hiệu lực thế nào và các bên sẽ xử lý ra sao. Nếu được tổ chức cuộc trưng cầu ý dân sẽ tạo ra một vấn đề rất nghiêm trọng cho Ukraine dù cho kết quả không được công nhận. Những diễn biến trong thời gian qua cho thấy Ukraine đang ở trạng thái khó khăn, không ổn định. Ngày 25-5 tới, quốc gia Đông Âu này dự tính sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống và sự kiện này sẽ gặp rất nhiều trở ngại nếu tình hình các tỉnh miền Đông không ổn định trước khi nó diễn ra. Bằng cách không tham gia bỏ phiếu, mọi kết quả của cuộc bầu cử có thể bị phủ nhận tại các khu vực miền Đông Ukraine như Donetsk, Kharkov hay Lugansk. Sau này, các khu vực này có thể nói không thừa nhận Tổng thống mới trong các cuộc tranh cãi.

Về phía Nga, chưa thể biết trước phản ứng đến đâu vì việc sáp nhập các khu vực miền Đông của Ukraine nếu xảy ra sẽ tạo nên một tình huống rất phức tạp về biên giới, chủ quyền của các quốc gia liên quan. Theo RIA Novosti, một nguồn tin từ Cục cảnh vệ biên giới Nga cho biết, Nga không hề có kế hoạch mở rộng thêm lãnh thổ qua biên giới Ukraine. Người này nói: “Chúng tôi đã có những bước chuẩn bị cần thiết ứng phó với tình trạng hiện giờ của tỉnh Donetsk nhưng chúng tôi không có bất cứ bước chuẩn bị nào để mở rộng thêm lãnh thổ ở phía biên giới Ukraine”. 

Phía Ukraine đã bày tỏ muốn duy trì quan hệ bằng hữu, láng giềng hữu nghị, đối tác thân thiết với Moskva. Động thái này diễn ra trong bối cảnh, theo các nhà phân tích, bất ổn ở miền đông Ukraina chắc chắn sẽ gây trở ngại lớn cho Kiev trong việc áp dụng các biện pháp khắc khổ và cải cách tài chính mà Quỹ Tiền tệ quốc tế yêu cầu như một điều kiện để cung cấp khoản vay 18 tỷ USD, số tiền Ukraina đang khao khát để tránh vỡ nợ. 

Giải pháp duy nhất: Chính thể Liên bang?

Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng để tạo lối thoát cho tình hình ở Ukraine hiện nay không có cách nào khác phải có một cuộc cải cách hiến pháp sâu sắc và minh bạch, với sự tham gia của tất cả các lực lượng chính trị và khu vực trong nước. Trong 10 ngày tới, Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có khả năng nhóm họp đàm phán về tình hình Ukraine. Quan điểm của Moskva là nhân dân của đất nước Ukraine đa dân tộc cần có cơ hội tự mình quyết định vận mệnh tồn tại và phát triển. Việc áp dụng mô hình Liên bang đối với Ukraine sẽ là giải pháp “đôi đường trọn vẹn”. Việc Ukraine trở thành một nhà nước Liên bang sẽ giúp cho Nga có thể vẫn “nắm được quyền điều khiển” một số vấn đề của Kiev mà không bị mất đi thể diện quốc tế hay bị các nước phương Tây kiếm cớ cô lập, bao vây hoặc trừng phạt kinh tế. Trong khi đó, mô hình chính phủ Liên bang cũng sẽ giúp cho Ukraine ngăn chặn được các phong trào phản kháng, ly khai mà vẫn đảm bảo được an ninh, trật tự xã hội ở những khu vực có đông người thân Nga.

Ông Sergei Zheleznyak, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga cho rằng chế độ liên bang hứa hẹn đem lại cho cư dân Đông và Tây Ukraine cơ hội tiếp tục cùng hòa bình tồn tại trong khuôn khổ một nhà nước thống nhất. Ấn Độ là một ví dụ điển hình. Bên trong nhà nước liên bang này có hàng chục bang và lãnh thổ liên kết. Hiến pháp Ấn Độ ghi nhận 22 ngôn ngữ địa phương chính thức và thậm chí cả tiếng Anh như ngôn ngữ giao tiếp giữa các dân tộc. Tương tự, 20 bang và 6 tiểu bang ở Thụy Sĩ cùng tồn tại với 4 ngôn ngữ chính thức. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 9-4 bày tỏ hy vọng các nỗ lực ngoại giao của Nga sẽ thành công và Kiev sẽ “không làm điều gì để sau này không thể khắc phục được”. Mặc dù không công nhận chính quyền lâm thời ở Kiev, song Nga vẫn sẽ hỗ trợ Ukraine. “Liên bang Nga không công nhận tính hợp pháp của các quan chức tại Kiev, nhưng sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ và trợ cấp cho nền kinh tế của Ukraine bằng hàng trăm triệu và hàng tỷ USD ngay bây giờ. Tất nhiên, tình trạng này không thể tiếp tục kéo dài mãi mãi”, hãng tin Interfax dẫn lời ông Putin nói sau cuộc họp bàn về hợp tác kinh tế với láng giềng của mình.

Trong diễn biến khác, theo Hãng tin CNN, tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ khởi hành từ Tây Ban Nha đến biển Đen vào hôm 10-4. Tính từ tháng 2 tới nay, đây là chiếc tàu chiến thứ 4 của Mỹ đến biển Đen. Moskva đã từng lưu ý Washington rằng thời gian triển khai tàu chiến của Mỹ đã vượt quá giới hạn các điều khoản đặt ra trong một hiệp ước quốc tế về quy định sự hiện diện tại biển Đen. Việc Nga sáp nhập Crimea có thể khiến Mỹ xem xét lại sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu, vốn đã được giảm đi một cách đều đặn kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Hiện có khoảng 67.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại châu Âu, trong đó phần lớn được triển khai ở Đức (40.000), Italia (11.000) và Anh (9.500). Mỹ từng có 285.000 quân tại châu Âu khi Liên Xô chưa tan rã.

Một nguồn tin từ Reuters cho hay trong thế bị dồn ép, gây áp lực, Nga có thể tung ra quân át chủ bài khiến phương Tây choáng váng, không thể chống đỡ. Đó là chiêu cung cấp tên lửa siêu tinh vi mà Nga từng đe dọa sẽ bán cho Iran theo một thỏa thuận đổi hàng hóa (bao gồm cả vũ khí) lấy dầu mỏ với Iran có trị giá lên tới 20 tỷ USD. Thông tin trên chưa được kiểm chứng về độ chính xác nhưng nếu nó thực sự xảy ra thì sẽ là một “cú giáng mạnh” vào nỗ lực gây sức ép với Iran của phương Tây. Với những tên lửa siêu tinh vi S-300 nước Cộng hòa Hồi giáo bảo vệ các máy ly tâm và lò phản ứng hạt nhân của họ trước những cuộc tấn công có thể xảy ra từ liên minh Mỹ và phương Tây.