Tương lai mù mịt của những người tị nạn Nam Sudan ở Ethiopia

ANTD.VN - Ethiopia được giới truyền thông ca ngợi vì chính sách mở cửa cho những người tị nạn Nam Sudan chạy trốn cuộc nội chiến. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, dấu hiệu của những xung đột ở Ethiopia là rào cản khiến người tị nạn Nam Sudan khó hòa nhập với xã hội Ethiopia.

Tương lai mù mịt của những người tị nạn Nam Sudan ở Ethiopia ảnh 1Người tị nạn đến từ Nam Sudan phải sống trong những trại tị nạn không đáp ứng được tiêu chuẩn

Không chắc chắn về tương lai phía trước 

Hơn 2 triệu người đã chạy trốn khỏi cuộc nội chiến đang diễn ra ở Nam Sudan tới các nước láng giềng. Giờ đây, Ethiopia là quốc gia cho tị nạn lớn thứ 2 ở châu Phi, sau Uganda. Tuy nhiên, với vô số thách thức mà Ethiopia phải đối mặt, tương lai sẽ ra sao đối với những người tị nạn này?

Gambela là một khu vực đẹp nhưng đầy rẫy những nguy hiểm ở Ethiopia. Vùng đất này đang trở thành “điểm nóng” của những cuộc xung đột giữa các nhóm dân tộc khác nhau. Tuy nhiên, đối với khoảng 400.000 người tị nạn từ Nam Sudan, Gambela vẫn là ngôi nhà mới của họ. 

Phóng viên tờ DW (Đức) đến một trại tị nạn gần biên giới Nam Sudan, nơi trú ẩn của khoảng 60.000 người tị nạn. Trại tị nạn này do Liên hợp quốc (UN) và Chính phủ Ethiopia điều hành. Theo ghi nhận của phóng viên, cuộc sống của người dân nơi đây rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Không phải đứa trẻ tị nạn nào cũng may mắn được đến trường. Nyjawech Ruey - một bà mẹ trẻ đang nuôi 4 con nhỏ kể lại rằng, cô đã trốn khỏi Nam Sudan vào năm 2014.

“Khi chiến tranh nổ ra, nhiều trẻ em thiệt mạng, một số đã bị bắt cóc. Chúng tôi thường xuyên phải sống trong sợ hãi nên không có lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ quê hương, xin tị nạn ở quốc gia khác”, Nyjawech Ruey nói với phóng viên tờ DW và cho biết thêm, cô cảm thấy an toàn khi sống trong trại tị nạn. Hiện tại, đây là ngôi nhà “tạm thời” của cô và những đứa trẻ nhưng đã 4 năm kể từ khi đặt chân đến Ethiopia, Nyjawech Ruey không được phép tìm kiếm công việc bên ngoài trại, không có gì chắc chắn về tương lai phía trước. “Mọi thứ đều không rõ ràng. Tôi không định hình được điều gì đang chờ đón mình ở tương lai. Thiếu giáo dục là một thách thức lớn đối với tôi và những đứa trẻ của tôi”, Nyjawech Ruey nói.

Những bất ổn tiềm ẩn trong nội tại 

Bên ngoài trại, người dân địa phương có suy nghĩ và cảm xúc khác nhau về người tị nạn đến từ Nam Sudan. Người tị nạn Nam Sudan thường được những người Nuer chào đón vì cùng là dân tộc Nuer. Trong khi đó, người thuộc dân tộc Anuak nói rằng, họ cảm thấy bị đe dọa. Hai người đàn ông dân tộc Anuak chia sẻ rằng, nhiều người tị nạn đến từ Nam Sudan đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của chúng tôi. Chúng tôi đang ngày càng nghèo hơn. Chính phủ lo cho những người tị nạn nhưng chúng tôi cũng cần được sự trợ giúp. Nếu không tạo ra sự cân bằng hợp lý, tất yếu sẽ xảy ra đụng độ giữa chúng tôi và những người tị nạn.

Vùng đất Gambela được biết đến là “ngôi nhà bản địa” của người Anuak. Tuy nhiên, kể từ những năm 1990, những người Ethiopia khác, chủ yếu là người dân tộc Nuer đã chuyển đến Gambela sinh sống. Trong những năm gần đây, con số này đã tăng lên do những người tị nạn Nuer của Nam Sudan chạy trốn khỏi cuộc nội chiến. Ngoài ra, những vùng đất rộng lớn của người Anuak đã được bán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã làm gia tăng căng thẳng về đất đai, sắc tộc và quyền lực giữa người Nuers và người Anuak.

Khi lên nắm quyền, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed nỗ lực xây dựng một đất nước thống nhất. Ông hứa sẽ cung cấp cơ hội học tập, việc làm cho tất cả mọi người, trong đó có cả người tị nạn. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng thất nghiệp ở Ethiopia vẫn rất cao, đặc biệt là trong giới trẻ. Chính điều này đã châm ngòi cho những cuộc tuần hành vào năm ngoái. Dấu hiệu căng thẳng về vấn đề đất đai, sắc tộc là những bất ổn tiềm ẩn trong nội tại Ethiopia. Bên cạnh đó, Ethiopia muốn duy trì chính sách mở cửa cho người tị nạn nhưng với những nguy cơ tiềm ẩn bất ổn thì rõ ràng, người tị nạn sẽ rất khó khăn để hòa nhập với xã hội Ethiopia.