Tương lai của Boeing 737 sẽ ra sao khi các quốc gia đồng loạt cấm bay

ANTD.VN - Sau vụ tai nạn máy bay Ethiopia, một danh sách dài các quốc gia đồng loạt tẩy chay sử dụng dòng máy bay 737 MAX. Việc cấm bay và cấm dòng máy bay này hoạt động đã gây ra một tổn thất vô cùng lớn với Boeing. Và tương lai của Boeing sẽ ra sao khi tin “sốc” đến từ các quốc gia khi lệnh cấm dừng bay toàn cầu được ban hành.

Lệnh cấm dừng bay toàn cầu đối với Boeing 737 MAX

Theo Thanh Niên, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thị dừng bay tất cả các dòng Boeing 737 MAX tại Mỹ và quyết định có hiệu lực ngay lập tức. “Các phi công đã được thông báo, các hãng hàng không cũng đều được thông báo và đồng ý. Sự an toàn của người dân Mỹ và tất cả mọi người là mối quan tâm cao nhất của chúng tôi”, ông nhấn mạnh.

Như vậy, Mỹ trở thành quốc gia cuối cùng dừng hoạt động mẫu máy bay vừa gặp nạn, theo Reuters. Các hãng lớn tại nước này như American Airlines, Southwest Airlines và United Airlines hôm qua bắt đầu hủy một số chuyến bay và đang gấp rút sắp xếp chuyến bay khác cho những hành khách bị ảnh hưởng.

Tương lai của Boeing 737 sẽ ra sao khi các quốc gia đồng loạt cấm bay ảnh 1 

Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ngày 13-3 tuyên bố tạm thời cấm các máy bay Boeing 737 MAX hoạt động.

Cũng trong hôm qua, Boeing ra thông cáo “ủng hộ việc tạm dừng hoạt động mẫu 737 MAX do có nhiều cảnh báo và nhằm trấn an hành khách”, sau khi tham vấn với Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA), Ban An toàn giao thông quốc gia (NTSB) và các khách hàng. Tuy nhiên, Boeing vẫn khẳng định “hoàn toàn tin tưởng” vào độ an toàn của những chiếc 737 MAX. Hiện có 371 máy bay 737 MAX được đưa vào hoạt động trên toàn thế giới trong tổng số 385 chiếc đã bàn giao.

Sau quyết định của Tổng thống Trump, FAA ra thông cáo cho hay cơ quan này chỉ đạo dừng tất cả chuyến bay sử dụng 737 MAX của các hãng hàng không Mỹ hoặc hãng khác trên không phận Mỹ. Quyết định dựa trên kết quả thu thập dữ liệu cũng như phân tích những bằng chứng mới và hình ảnh dữ liệu vệ tinh vừa được tinh chỉnh.

“Việc dừng bay sẽ áp dụng để phục vụ điều tra, bao gồm xem xét thông tin từ các thiết bị ghi dữ liệu bay cũng như ghi âm buồng lái”, FAA thông báo, đồng thời cho hay cơ quan này đang phối hợp với NTSB để điều tra tai nạn tại Ethiopia.

Boeing đối diện với tương lai u ám

Theo TTXVN, sau 2 thảm họa rơi máy bay xảy ra trong vòng hơn 4 tháng khiến 346 người thiệt mạng: cổ phiếu Boeing giảm mạnh, nhiều nước cấm các máy bay Boeing 737 hoạt động...

Tương lai u ám của Boeing sau hai thảm họa hàng không (Nguồn: TTXVN)

Vào cuối tháng 10-2018, một chiếc máy bay của hãng Lion Air đã rơi xuống vùng biển Indonesia 13 phút sau khi cất cánh khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng.

Sáng 10-3-2019, chuyến bay ET302 của hãng hàng không Ethiopia Airlines đã rơi khiến toàn bộ 157 người có mặt trên chuyến bay thiệt mạng.

Cả hai thảm kịch đều xảy ra với loại máy bay Boeing 737 MAX 8, mẫu máy bay mới nhất của tập đoàn Boeing. Mẫu máy bay này chỉ mới được người khổng lồ ngành hàng không Mỹ giới thiệu chuyến bay đầu tiên cách đây chưa đầy 2 năm.

Ngay sau 2 thảm họa rơi máy bay Boeing trong vòng 4 tháng, EU và nhiều nước khác trên thế giới đã quyết định cấm các máy bay Boeing 737 trên vùng trời các nước này. Cổ phiếu Boeing cũng giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 11-3.

Nguyên nhân dẫn đến thảm kịch vẫn đang được điều tra, nhưng nếu các nhà điều tra phát hiện ra một nguyên nhân tương tự của hai vụ tai nạn, đó sẽ là thảm họa thực sự đối với Boeing.

MAX 8 rất được kỳ vọng là thành viên đầu tiên trong loạt sản phẩm máy bay phát triển theo lối đi hiệu quả hơn đối với dòng máy bay thân hẹp. Boeing 737 gồm các phiên bản MAX 7, 8, 9 và 10 sẽ cạnh tranh với Airbus 320neo, trong cuộc chiến để thống trị phân khúc thị trường máy bay thân hẹp toàn cầu. MAX 8 đánh dấu phiên bản mới nhất của dòng Boeing 737 được giới thiệu lần đầu vào năm 1967.

Hơn 10.000 chiếc đã được sản xuất, đưa nó trở thành máy bay thương mại bán chạy nhất mọi thời đại. Các hãng hàng không đang vận hành MAX 8 và những hãng đang đặt hàng sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến trong thời gian tới.

Theo báo cáo gần đây của Boeing, 350 chiếc MAX 8 đã được giao cho các hãng hàng không trên toàn thế giới, hơn 4.661 chiếc khác đang được đặt hàng.

Boeing có thể đứng trước nguy cơ bị kiện

Theo SGĐT, trước khi xảy ra 2 vụ tai nạn của Boeing 737 MAX 8 ở Indonesia và Ethiopia, Boeing 737 MAX được xem là loại máy bay hiện đại nhất, bán chạy nhất của tập đoàn trong nhiều năm tới. Giờ đây, tập đoàn đang đau đầu với danh sách hơn 50 hãng hàng không trên thế giới và ngay cả Mỹ ngừng bay Boeing 737 MAX.

Tương lai của Boeing 737 sẽ ra sao khi các quốc gia đồng loạt cấm bay ảnh 2 

Sau hai thảm họa hàng không, Boeing đang đứng trước nguy cơ bị kiện

Theo FAA, dữ liệu theo dõi từ vệ tinh cho thấy cảm biến trên các máy bay Boeing 737 MAX có vấn đề gây ra vụ rơi máy bay của hãng Lion Air tại vùng biển Java, Indonesia, vào tháng 10-2018 làm toàn bộ 189 người thiệt mạng.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2017, Boeing đã cung cấp hơn 350 chiếc MAX trong đó một số phiên bản thay đổi theo kích cỡ. Hàng chục hãng hàng không trên khắp thế giới đã đón nhận chiếc máy bay này vì hiệu quả nhiên liệu và tiện ích cho các chuyến bay ngắn và trung bình. Ngoài các máy bay đã được giao, Boeing còn có hơn 4.600 máy bay Boeing 737 MAX 8 tồn kho chưa được giao cho các hãng hàng không.

Các hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi quyết định ngừng bay Boeing có thể kiện tập đoàn Boeing yêu cầu bồi thường thiệt hại. Hãng hàng không Na Uy cho biết họ sẽ theo đuổi khoản bồi hoàn từ Boeing cho việc thiệt hại kinh doanh và nếu các hãng khác làm theo, điều đó sẽ gây thêm tổn thất với Boeing.

Dan Rose, đối tác của Kreindler & Kreindler, một công ty luật hàng không cho biết, các hãng hàng không có thành công với các đơn kiện như vậy hay không phụ thuộc vào chi tiết trong hợp đồng mà họ ký khi mua máy bay với Boeing.

Vào đầu tuần này, Morgan Stanley đã gọi việc ngừng bay Boeing 737 MAX là một kịch bản xấu nhất, có thể ảnh hưởng trầm trọng đến lợi nhuận ngắn hạn của Boeing vì  Boeing 737 MAX chiếm 70% sản lượng thương mại của Boeing, chiếm hầu hết trong các đợt giao hàng trong năm 2019 và tất cả các đợt giao hàng trong 3 năm tới.