Trung Quốc:

Tưởng ăn thịt dê hóa ra thịt chuột

ANTĐ - Những ngày qua, dư luận Trung Quốc lại “nổi sóng” sau khi những thông tin liên quan đến vụ “hóa phép” thịt chuột thành thịt dê được công an nước này công bố. Đáng lo ngại là đã có tới hàng chục tấn thịt rởm này được bán trên thị trường và xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình suốt thời gian dài.

Ảnh: Internet

Nghe cũng rùng mình

Theo kết luận điều tra vừa được Công an tỉnh Giang Tô công bố, tháng 2-2013, Công an thành phố Vô Tích mở đợt truy quét ở Vô Tích và Thượng Hải, đánh sập một đường dây làm giả thịt dê cắt lát, bắt 63 đối tượng, đồng thời tiêu hủy hơn 10 tấn thành phẩm. Theo kết quả điều tra, từ năm 2009 đến thời điểm đó, nghi phạm họ Vệ, chủ cơ sở chế biến thịt đông lạnh đã mua các động vật chưa qua kiểm dịch như chuột, chồn, cáo, sau đó ướp getalin, nitrate và carmine (phẩm màu được sản xuất từ gián)… làm giả thịt dê, thu lợi hơn 10 triệu NDT.

Ngay sau vụ việc này, công an tiếp tục đẩy mạnh điều tra. Các nhà hàng chuyên phục vụ lẩu, món ăn dùng đến nhiều thịt dê cắt lát cũng lọt vào tầm ngắm. Kết quả cho thấy có tình trạng sử dụng “thịt dê” không rõ nguồn gốc xuất xứ tại đây và trong số 9 nhà hàng bị cảnh sát thành phố Giang Âm, Giang Tô điều tra, nhân viên kinh doanh của 2 nhà hàng đã bị tạm giữ để phục vụ điều tra. 

Ngày 2-5, phóng viên đã đến huyện Dương Tín ở Sơn Đông, một huyện nhỏ song có tới gần 200 xưởng gia công thịt dê để tìm hiểu. Một nhân công chế biến thịt đông lạnh tại đây cho biết, phần lớn nguyên liệu chế biến thịt cắt lát không phải là thịt dê, thịt cừu như trên nhãn mác mà là thịt ức vịt. Chính vì vậy giá thành làm sản phẩm này rất rẻ, chỉ khoảng 13NDT/kg, trong khi thịt dê hoặc thịt cừu đắt hơn gấp mấy lần. Ngoài thịt vịt, thịt cáo cũng được sử dụng để thay thế cho thịt dê, do hiện nay ở Sơn Đông, việc nuôi cáo rất phổ biến, các hộ nuôi chỉ nhằm mục đích lấy lông còn thịt đem bán với giá cực rẻ cho các xưởng gia công thực phẩm.  

Một chủ cơ sở chế biến thực phẩm ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây sau khi bị bắt đã khai, xưởng của ông ta làm thịt dê rởm đã được 1 năm nay. Thịt vịt được mua với giá 14NDT/kg, sau đó gia công lại và bán cho các quán lẩu với giá 18NDT/kg. Mỗi ngày xưởng này xuất ra hơn 50kg thịt, bao gồm cả “thịt dê đóng gói”.

Không chỉ đánh lừa khẩu vị của người tiêu dùng, quá trình chế biến thịt dê, cừu rởm cũng gây ra những nguy cơ mất vệ sinh ATTP. Được biết, để giữ được thành phần nước nhất định trong những miếng thịt cuộn này, các cơ sở chế biến còn cho thêm vào đó chất phosphate với hàm lượng 10g mỗi kilogram thịt, trong khi theo đúng quy định sử dụng chất phụ gia, mỗi kilogram thịt không được dùng quá 5g phosphate. Các chuyên gia cho biết, việc dùng quá lượng phosphate cho phép sẽ làm triệt tiêu canxi, đặc biệt có hại với thanh niên, người già và sản phụ.

Bóng đen “thịt bẩn”

Trong những tháng qua, một đợt truy quét thực phẩm bẩn đã được Bộ Công an Trung Quốc tiến hành trên diện rộng. Chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan này đã khám phá tới 2.010 vụ phạm tội liên quan đến an toàn thực phẩm, bắt 3.576 đối tượng, phá bỏ 1.721 nhà xưởng chui, đồng thời đánh sập 325 trang web dính dáng đến hoạt động phạm tội này. Trong số đó, các vụ án liên quan đến thịt dê rởm, thịt lợn chết, thực phẩm độc hại là 382 vụ, bắt 904 đối tượng, tiêu hủy hơn 20.000 tấn thịt.   

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, sau đợt truy quét của lực lượng công an, hiện một số quán lẩu nổi tiếng ở Thượng Hải cũng đã ngừng hoạt động. Điều tra tại chợ bán buôn thực phẩm lớn nhất Thượng Hải, phóng viên phát hiện phần lớn sản phẩm thịt dê cắt lát đóng gói tại các quầy hàng chỉ có tên sản phẩm, không ghi rõ cơ sở chế biến, hạn sử dụng hay nguyên liệu… Một chủ hàng cho hay, “thịt dê cắt lát” ông ta bán không dưới 40NDT/kg, cơ bản đều là thịt hỗn hợp chứ không hề có thịt dê nguyên chất. 

Điều đáng nói là, nếu chỉ căn cứ vào cảm quan, gần như không thể phát hiện được sự khác nhau giữa thịt dê thật và rởm. Ông Chu Tuyền, trợ lý giám đốc Cơ quan An toàn thực phẩm-dược phẩm quận Phổ Đông, thành phố Thượng Hải cho hay: “Chúng tôi không phát hiện bất cứ sự khác biệt nào nếu chỉ dựa vào cảm quan”. Tính đến ngày 5-5, công an thành phố Thượng Hải đã điều tra ra ít nhất 9 nhà hàng lẩu có dùng sản phẩm thịt dê rởm này.

Gừng được bón thuốc sâu cực độc

Cùng với scandal thịt dê rởm, dư luận Trung Quốc tiếp tục sốc với thông tin gừng mà hàng ngày họ ăn được một hộ nông dân ở Duy Phòng, Sơn Đông trồng bằng hóa chất cực độc “Thần nông đơn”. Theo các chuyên gia, thành phần chính của “Thần nông đơn” là aldicarb, một loại thuốc trừ sâu cực độc, chỉ từ 50mg có thể giết chết một người nặng 50kg, chính vì vậy nó bị cấm dùng trực tiếp trên rau quả. Trong khi đó, aldicarb có thể bị thực vật hấp thu toàn phần. Bản thân chủ hộ này sau khi bị bắt đã khẳng định gia đình ông ta không bao giờ dùng gừng mình trồng, chỉ để bán ra thị trường.