Trưởng Đặc khu Hồng Kông lên án nhóm biểu tình và ra "tối hậu thư"

ANTD.VN - Hôm 2-7 vừa qua, Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã kịch liệt lên án hành vi chiếm giữ bạo lực của lực lượng biểu tình ngày 1-7, cam kết sẽ xử lý nghiêm những người phá hoại trụ sở Hội đồng Lập pháp và bỏ trốn trước khi cảnh sát chống bạo động tiến vào hiện trường.

Ngày 1-7, cuộc tuần hành của hàng nghìn người tại Hồng Kông (phần lớn trong số đó là những người trẻ tuổi) chống chính quyền thông qua luật dẫn độ đã diễn ra đúng thời điểm kỷ niệm 22 năm ngày vùng đất thuộc địa của Anh được trả về Trung Quốc (1997-2019).

Những người biểu tình dùng xe đẩy kim loại và gậy để phá cửa kính trụ sở Hội đồng Lập pháp, bất chấp cảnh báo của cảnh sát chống bạo động bên trong. Đến tối hôm đó, họ tràn vào bên trong tòa nhà, buộc lực lượng cảnh sát phải rút đi để tránh leo thang căng thẳng. Những người biểu tình này sau đó đập phá tài sản bên trong cơ quan lập pháp, xé chân dung lãnh đạo và phun lên tường những khẩu hiệu phản đối chính quyền.

Hàng nghìn người biểu tình tràn vào trụ sở Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (Trung Quốc) để lại các thông điệp bằng sơn đen trên tường và các banner trong tòa nhà hôm 2-7-2019 (Nguồn: Reuters)

Không giống những cuộc tuần hành ôn hòa trước đó của phong trào biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hồng Kông, những người biểu tình hôm 1-7 hành động hung hăng hơn khi xông vào trụ sở Hội đồng Lập pháp và đập phá. Đây không phải một phần kế hoạch được thảo luận kỹ lưỡng mà chỉ là quyết định bột phát của một nhóm khoảng 30 người biểu tình ở đường Harcourt.

Phát biểu tại cuộc họp báo sáng sớm ngày 2-7, bà Lam cho biết vô cùng giận dữ và thất vọng về tình trạng bạo lực, hỗn loạn mới diễn ra tại đây. Bà nhấn mạnh: "Tôi kịch liệt lên án hành vi này". Bà Lam cũng khẳng định đã suy nghĩ về những sự kiện chưa từng xảy ra tại lễ kỷ niệm Hồng Kông quay trở về Trung Quốc ngày 1-7, và sẵn sàng đối thoại với mọi tầng lớp, trong đó có giới thanh niên Hồng Kông.

Người đứng đầu chính quyền Hồng Kông nói: "Chúng ta đã chứng kiến hai khung cảnh xã hội hoàn toàn khác nhau. Một là hoạt động tuần hành hợp pháp trong ngày 1-7. Không tính tới số lượng người tham gia, cuộc tuần hành đã diễn ra một cách hòa bình và nhìn chung là trật tự. Điều này hoàn toàn phản ánh sự bao dung của xã hội Hồng Kông, và những giá trị cốt lõi mà chúng ta gắn liền với hòa bình và trật tự. Khung cảnh thứ hai, thực sự gây thất vọng và sốc cho nhiều người, là hành vi người biểu tình sử dụng bạo lực và phá hoạt một cách cực đoan để chiếm giữ tòa nhà Hội đồng Lập pháp. Đây là một hành vi mà chúng ta cần phải nghiêm khắc lên án, bởi không gì quan trọng hơn nền pháp trị ở Hồng Kông".

Đồng thời, bà Lâm nhấn mạnh, chính quyền Hồng Kông sẽ truy xét đến cùng các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Cảnh sát trưởng Hồng Kông Stephen Lo Wai-chung còn cho biết, 13 cảnh sát đã phải nhập viện sau khi đụng độ với người biểu tình, tuyên bố sẽ trừng trị những phần tử quá khích theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, nhà chức trách Hồng Kông cũng đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ đập phá bên trong Hội đồng Lập pháp, những người bị kết tội bạo loạn có thể phải đối mặt với mức án 10 năm tù.

Hồng Kông chứng kiến các cuộc biểu tình lớn trong 3 tuần qua khi nhiều người xuống đường phản đối dự luật dẫn độ tội phạm sang xét xử ở các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa ký hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, trong đó có Trung Quốc đại lục. Nhiều người Hồng Kông lo ngại dự luật này có thể làm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh với Hồng Kông, đồng thời khiến họ bị điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật khác.

Tuy nhiên, hành động bạo lực của một số người biểu tình đã khiến nhiều người Hồng Kông phản đối. Hàng chục nghìn người Hồng Kông hôm 30-6 tổ chức tuần hành để ủng hộ cảnh sát trấn áp những phần tử quá khích. Họ vẫy cờ Trung Quốc, hô khẩu hiệu phản đối người biểu tình bạo lực chống chính quyền, cho rằng chính những người này đang khiến đặc khu bị chia rẽ.

Dự luật dẫn độ

Trước đó, chính quyền Đặc khu Hồng Kông đã cố gắng thông qua đạo luật về việc cho pháp dẫn độ sang Trung Quốc, nhằm mục đích dẫn độ các cá nhân mang quốc tịch Trung Quốc phạm tội ngoài phạm vi lãnh thổ nhưng bị bắt ở Hồng Kông sang Trung Quốc đề xét xử.

Theo quy định của pháp luật Hồng Kông, Toàn án không thể xét xử các hành vi phạm tội ngoài lãnh thổ Hồng Kông. Song, một bộ phận lớn công dân Hồng Kông nói riêng và quốc tế nói chung quan ngại rằng, dự luật dẫn độ này có thể làm thay đổi cơ bản mối quan hệ của khu vực với Trung Quốc, cũng như khả năng Trung Quốc sử dụng các quy định trong luật này để trấn áp các nhà hoạt động xã hội, bất đồng chính kiến.

Cuộc biểu tình ở Hồng Kông yêu cầu chính phủ loại bỏ dự luật dẫn độ với Trung Quốc ngày 9-6-2019 (Nguồn: Sputnik)

Để phản đối việc thông qua dự luật, những ngày cuối tháng 6, hàng triệu người dân Hồng Kông đã xuống đường biểu tình để phản đối dự luật. Ngoài ra, dư luận trong và ngoài khu vực cũng có những động thái liên quan về dự thảo luật dẫn độ. Theo giới chuyên gia, chính quyền Trung Quốc đồng ý hoãn việc thông qua dự luật xuất phát từ một số tính toán:

Thứ nhất, tránh để Hồng Kông trở thành công cụ của các thế lực nước ngoài, vũ đài đấu tranh tiếp theo giữa hai cường quốc Mỹ-Trung. Nếu quốc tế vẫn dậy sóng trong vấn đề Hồng Kông, ông chủ Nhà Trắng có thể biến Hồng Kông thành "quân bài mặc cả" mới để đe dọa Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cũng là nước có quan hệ đặc biệt với Hồng Kông, không chỉ ở khía cạnh thương mại, nếu sau này bắt tay phối hợp với Anh và lực lượng bên trong Hồng Kông, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực tăng gấp bội.

Thứ hai, Trung Quốc có thể cho rằng, con bài chính trị hiện nay là không thể lùi, nhất thiết phải thông qua dự luật nếu không việc quản trị Đặc khu hành chính này và quyền uy của Trung ương đều bị tổn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, số lượng người tham gia biểu tình đã vượt dự kiến của các bên, tới mức tạo ra áp lực lớn, tới mức vượt qua cả cuộc biểu tình phản đối Điều 23 Luật Cơ bản năm 2003 và Phòng trào "Chiếm lĩnh Trung tâm năm 2014" do Hoàng Chi Phong (lúc đó mới 17 tuổi) lãnh đạo, cho thấy năng lực tổ chức động viên khó có thể tưởng tượng của phe phản đối ở Hồng Kông, cũng như vai trò hỗ trợ của dư luận quốc tế.

Theo kế hoạch, tháng 7 này sẽ diễn ra vòng bỏ phiếu cuối cùng đối với dự luật dẫn độ này. Dự luật có khả năng làm thay đổi luật ở Hồng Kông, trong đó sẽ cho phép các hoạt động dẫn độ đặc biệt đến Trung Quốc và hơn 100 quốc gia mà không có Hiệp định dẫn độ chung với Hồng Kông thông qua việc trao quyền cho Đặc khu trưởng trong việc đưa ra quyết định về dẫn độ bất kỳ cá nhân nào từ lãnh thổ Hồng Kông sang các quốc gia khác hiện không có Hiệp định dẫn độ với khu vực tự trị này.