Báo chí và cuộc chiến với băng đảng ma túy ở Mexico:

Trước súng đạn không lùi bước

ANTĐ - Một năm trôi qua, phóng viên ảnh Carlos Sanchez của tờ El Diario de Juarez vẫn chưa hết hãi hùng khi nhớ lại cảnh băng nhóm buôn bán ma túy bắn chết một đồng nghiệp. Nhưng càng sống trong sợ hãi, những nhà báo ở Mexico như Carlos Sanchez càng phải kiên định, đoàn kết và bảo vệ lẫn nhau.

Tờ El Diario de Juarez đăng tải bài viết tưởng niệm phóng viên

Luis Carlos Santiago


Ký ức hãi hùng

Đó là những ký ức kinh hoàng của Carlos Sanchez, phóng viên ảnh của tờ El Diario de Juarez, 21 tuổi, cách đây 1 năm về trước. Khi ấy một tay súng giấu mặt đã bắn ít nhất 12 phát vào chiếc xe mà phóng viên Carlos ngồi bên trong.

Carlos đã bị trúng 3 viên đạn vào đầu, tay và bụng. Anh Luis Carlos Santiago, người ngồi cạnh Carlos trong chiếc xe ô tô đó đã thiệt mạng. Thi thể của Luis sau vụ xả súng còn găm hàng chục vết đạn.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, cả Luis và Carlos đều đang là phóng viên thực tập với niềm đam mê cháy bỏng trở thành nhà báo tương lai. Carlos kể lại đó là ngày 16-9-2010, khi anh cùng Luis đang ngồi trong xe đỗ tại một khu trung tâm mua sắm ở Juarez để chụp ảnh cuộc sống thành thị thì bỗng nghe thấy tiếng nổ súng. “Tôi thấy nóng đầu, rồi nhận ra mình bị trúng 3 viên đạn cỡ 9mm. Tiếp tục đạn cứ tuôn xối xả vào xe chúng tôi. Tôi hét Luis: Chạy, chạy mau nhưng không thấy cậu ấy trả lời. Đầu cậu ấy đầy máu và những vết đạn. Tôi mở cửa chạy nhanh vào tòa nhà trung tâm mua sắm”, Carlos kể lại. Khi chạy vào được bên trong trung tâm mua sắm, Carlos lảo đảo đau đớn. “Lúc đó tôi nghĩ có thể mình sẽ chết tại nơi này”, Carlos nói. Sau khi anh ngã gục xuống mọi người mới nhận ra và đưa anh đi cấp cứu tại bệnh viện gần đó.

Các bác sĩ sau đó phẫu thuật thành công lấy những viên đạn ra khỏi người Carlos. Trong 5 ngày nằm viện, Carlos luôn ám ảnh về những gì mình đã được chứng kiến, hình ảnh người bạn thân nằm gục chết trước mặt khiến Carlos định chuyển đi. Tuy nhiên 5 tháng sau vụ tấn công, Carlos quyết định đầu quân về tờ El Diario de Juarez để tiếp tục theo nghề. Những bức ảnh của anh đã đoạt giải thưởng Maria Moors Cabot do trường Đại học Columbia ở New York trao tặng. Carlos nói không hiểu tại sao anh và Luis lại bị tấn công. Theo anh, sự sống sót của anh thật may mắn và nó đã giúp anh nhận ra ý nghĩa cuộc sống. “Từ sau vụ tấn công, tôi nhận thấy giá trị của cuộc sống và cố gắng dành thời gian cho gia đình và tiếp tục dấn thân với nghề”, Carlos chia sẻ.


“Các ông muốn chúng tôi đăng gì?”

Chỉ vài ngày sau cái chết của Luis, từ ngày 20-9-2010, một loạt các tờ báo địa phương ở Mexico hạn chế đăng tin bài về cuộc chiến chống ma túy. Ông Pedro Torres, Phó Tổng biên tập tờ El Diario cho biết, ông không hiểu lý do gì khiến hai phóng viên Luis và Carlos lại trở thành mục tiêu của bọn tội phạm. Cùng thời điểm đó, Ban Biên tập tờ El Diario de Juarez cho đăng lên mặt báo lời ngỏ gây sốc dư luận gửi các băng đảng buôn lậu ma túy nước này: “Xin hãy cho biết các ông muốn chúng tôi đăng gì?”.

Tháng 10-2010, Tổng thống Mexico Felipe Calderon đã thông báo một loạt các biện pháp nhằm bảo vệ phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp - những người đang phải đối mặt với những hiểm nguy trong cuộc chiến bạo lực tại đất nước này. Cuộc chiến này theo thống kê đã cướp đi 28.000 sinh mạng kể từ tháng 12-2006. Liên hiệp quốc đã gọi Mexico là đất nước nguy hiểm nhất ở châu Mỹ đối với các nhà báo. Ủy ban Quốc gia về Nhân quyền Mexico cho biết: Kể từ năm 2000 tới nay, Mexico có 65 người làm công tác báo chí bị sát hại, hơn 90% số vụ án này cho tới nay vẫn chưa giải quyết được. Riêng trong 4 năm qua, ít nhất 22 nhà báo bị sát hại và 7 nhà báo bị mất tích.

Nhiều nhà báo Mexico nói rằng họ sợ cả các băng đảng ma túy lẫn chính quyền vì một số quan chức đã bị các tên trùm ma túy chi phối. Nhưng đa số các nhà báo Mexico không chấp nhận đầu hàng các tên trùm ma túy. Hầu hết họ cho rằng cách bảo vệ tốt nhất là từ ngay chính báo giới: Báo chí phải kiên định, đoàn kết chặt chẽ và bảo vệ lẫn nhau.

Các vụ tấn công nhà báo xảy ra thường xuyên ở Mexico. Tháng 11-2008, Armando Rodriguez, cũng là một phóng viên của tờ El Diario de Juarez, đã tử vong sau khi bị bắn 11 phát đạn ngay bên ngoài nhà riêng của mình. Liên đoàn các nhà báo châu Mỹ Latinh thống kê năm 2009 có tới 15 nhà báo thiệt mạng, năm 2010 có tới 14 nạn nhân. Từ đầu năm đến nay, ít nhất đã có 8 nhà báo, phóng viên bị sát hại.