Trung Quốc từng "dùng" Taliban để ngăn khủng bố

ANTĐ - Cái chết của thủ lĩnh tối cao Taliban Mullah Omar đã khiến cuộc đối thoại giữa chính quyền Afghanistan và tổ chức khủng bố Taliban do Bắc Kinh làm trung gian bị hoãn lại vô thời hạn. Nhưng nếu Taliban chia thành nhiều phe nhóm thì mọi kết quả mà Trung Quốc đạt được bấy lâu nay sẽ biến thành tro bụi.
Trung Quốc từng "dùng" Taliban để ngăn khủng bố  ảnh 1

Mullah Mansour, người kế nhiệm thủ lĩnh Mullah Omar (bên phải)

“Mua chuộc” láng giềng để phòng ngừa khủng bố 

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào Afghanistan khi tham gia xây dựng nhà máy, công trình thủy điện, thủy lợi...  Sau khi chính quyền ở Afghanistan rơi vào tay Taliban, tại các vùng lân cận ở Thủ đô Kabul, Afghanistan “đã mọc lên” nhiều trại huấn luyện các phần tử khủng bố người Duy Ngô Nhĩ để sau đó được đưa về Trung Quốc hoạt động.

Để giải quyết thực trạng này, Trung Quốc đã tìm cách tiếp xúc với Taliban. Người của Taliban sẵn lòng đến gặp, nhận tiền, hứa sẽ đóng cửa tất cả các trại huấn luyện đó, nhưng năm này qua năm khác, các trại huấn luyện vẫn tồn tại.

Tình hình chỉ chuyển biến vào tháng 11-2000, khi Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan có cuộc gặp với Mullah Omar, thủ lĩnh tối cao của Taliban. Tại cuộc gặp, ông ta khẳng định rằng Taliban sẽ không đuổi các chiến binh Duy Ngô Nhĩ ra khỏi Afghanistan, nhưng sẽ không dung túng cho những hoạt động tùy tiện của họ và cấm các nhóm người Duy Ngô Nhĩ tấn công vào Trung Quốc từ lãnh thổ Afghanistan. Sau đó, vấn đề Duy Ngô Nhĩ đã khép lại, Mullah Omar được Bắc Kinh ghi nhận là người biết giữ lời hứa.

Kể cả sau khi Taliban bị lật đổ, Trung Quốc, một mặt giúp đỡ chính phủ hợp pháp của Afghanistan, mặt khác vẫn giữ liên hệ với Quetta Shura - cơ quan lãnh đạo tối cao của Taliban đặt tại Quetta, Pakistan. Sự hiện diện của các nhà ngoại giao Trung Quốc ở vòng đàm phán đầu tiên giữa đại diện Chính phủ Afghanistan với Taliban là sự thừa nhận vai trò trung gian quan trọng của Trung Quốc cho giải pháp hòa bình ở Afghanistan. Bắc Kinh cần một giải pháp thiết thực, bởi một Afghanistan bất ổn cũng sẽ là mảnh đất nuôi dưỡng các phần tử cực đoan người Duy Ngô Nhĩ, lực lượng lập nên phong trào ly khai ở Tân Cương.

Hệ lụy khi Taliban chia rẽ

Sau khi trốn khỏi Trung Quốc, các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ thường ẩn náu ở Afghanistan và tại khu vực các bộ lạc ở Pakistan. Sự ổn định ở Tân Cương quan trọng đối với Bắc Kinh không chỉ vì các chiến binh Duy Ngô Nhĩ đe dọa sự ổn định trong nội bộ Trung Quốc, mà còn cản trở công cuộc xây dựng vành đai kinh tế của “con đường tơ lụa” chạy qua Tân Cương và vùng Trung Á, dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh còn quan tâm tới lợi ích kinh tế của mình ở Afghanistan.

Năm 2007, Tập đoàn Metallurgical Group Corporation (MCC) của Trung Quốc đã nhận được hợp đồng khai thác mỏ đồng lớn ở Aynak với vốn đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD. Trữ lượng của mỏ Aynak vào khoảng 6 triệu tấn đồng và tổng lợi nhuận mà MCC đạt được có thể lên đến hàng chục tỷ đô la… 

Do quan tâm tới sự ổn định ở Afghanistan vì cả lợi ích kinh tế và chính trị, nên cái chết của Mullah Omar, lãnh tụ tinh thần của Taliban có thể là một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc. Mullah Akhtar Mansour, người kế nhiệm thủ lĩnh Mullah Omar, có thiện cảm với Bắc Kinh nhưng Taliban có nhiều phe cánh không muốn chấp nhận giải pháp hòa bình. Các nhóm Tehrik-i-Taliban Pakistan và Phong trào Hồi giáo Uzbekistan tuy hợp tác với Taliban, nhưng lại tích cực liên hệ với các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ, cung cấp cho họ các loại vũ khí, vật liệu nổ và giúp đỡ tổ chức các cuộc tấn công khủng bố…  

Do vậy, kể cả Mullah Mansour đồng ý đàm phán, thì Afghanistan, Pakistan và Trung Quốc cũng chỉ có thể đạt được thỏa thuận với cánh ôn hòa, nhưng chưa chắc làm vừa lòng các phe nhóm còn lại của Taliban. Các nhà phân tích không loại trừ kịch bản tồi tệ nhất, Taliban bị tan rã, chia thành nhiều phe nhóm. Và khi đó, tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) sẽ thu hút tất cả các phe nhóm hiếu chiến. Như vậy, mọi kết quả mà Trung Quốc đạt được trong giải quyết xung đột ở Afghanistan sẽ thành tro bụi.