Trung Quốc trốn chạy ánh sáng công lý

ANTĐ - Việc Trung Quốc có thể rút khỏi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) trong trường hợp Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết bất lợi cho nước này trong vụ kiện của Philippines được xem là hành động trốn chạy khỏi ánh sáng công lý.

Các thẩm phán Tòa án PCA tại The Hague, Hà Lan sắp ra phán quyết đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông

Báo chí Nhật Bản ngày 21-6 dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, Trung Quốc đã tuyên bố với một quốc gia châu Á rằng, nước này có thể sẽ rút khỏi Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nhằm phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện nếu phán quyết này đi ngược lại lập trường của Bắc Kinh. Tuyên bố này được xem là nhằm dọn đường cho Trung Quốc trốn tránh một phán quyết của công lý ngăn cản Bắc Kinh hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc sau khi đơn phương công bố yêu sách “đường lưỡi bò”, hay còn gọi là “đường 9 đoạn”, nhằm đòi hỏi chủ quyền phi lý với 80% diện tích Biển Đông đã ngày càng tỏ ra ráo riết và hung hăng hơn trong việc biến vùng biển chiến lược trọng yếu này thành ao nhà của mình.

Sau khi Trung Quốc xua đuổi tàu và kiểm soát bãi cạn Scarborough năm 2012, Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên PCA vào ngày 22-1-2013, yêu cầu tòa ra phán quyết tuyên bố “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không có giá trị pháp lý bởi đi ngược lại UNCLOS năm 1982.

Sau nhiều phiên tranh tụng, xem xét, PCA dự kiến sẽ công bố phán quyết đối với vụ kiện, theo truyền thông của Philippines là vào ngày 7-7 tới.

Hiện giới truyền thông và phân tích quốc tế đã đưa ra một số “kịch bản” phán quyết của PCA đối với vụ kiện của Philippines, song đa số đều cho rằng tòa sẽ ủng hộ quan điểm của Manila, ra phán quyết rằng đòi hỏi chủ quyền dựa trên yếu tố lịch sử mà Trung Quốc đưa ra là không có cơ sở luật pháp quốc tế, từ đó vô hiệu hóa yêu sách đòi chủ quyền trên Biển Đông theo “đường lưỡi bò”.

Trong trường hợp Philippines “thắng kiện”, đó sẽ là một đòn giáng chí tử vào tham vọng bành trướng trên Biển Đông của Trung Quốc. Bởi mọi yêu sách, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược này đều là không phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với bản “hiến pháp của thế giới về đại dương” UNCLOS hay nói cách khác là phi pháp.

Cho dù phán quyết của PCA không mang tính ràng buộc pháp lý, bắt buộc các bên liên quan phải thực thi, song với tư cách là thành viên của UNCLOS mà Trung Quốc gia nhập từ năm 1996 cũng như là một cường quốc, một thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc phải có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết trong vụ kiện của Philippines.

Nếu như không tuân thủ phán quyết của PCA, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia xem thường luật pháp quốc tế, tự cô lập mình với cả thế giới khi “sống vô luật pháp” trong thế giới văn minh ngày nay. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia ở khu vực được tiếp sức mạnh của công lý, sức mạnh của lẽ phải để đấu tranh chống lại mưu đồ bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tìm cách “dọn đường” để rút khỏi UNCLOS cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bất chấp tất cả, kể cả việc tự cô lập mình khỏi cộng đồng quốc tế, để hiện thực hóa bằng được tham vọng độc chiếm Biển Đông.