Trung Quốc "thò chân" ra cảng biển nước ngoài

ANTD.VN - Việc Sri Lanka quyết định chuyển nhượng 85% cổ phần của cảng Hambantota cho Tập đoàn phát triển cảng Merchants, doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, đang khiến dư luận chú ý đến tính toán chiến lược của Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. 

Trung Quốc "thò chân" ra cảng biển nước ngoài ảnh 1Cảng Hambantota của Sri Lanka

Nằm ở phía Nam Sri Lanka, cảng Hambantota chiếm một vị trí chiến lược trên tuyến đường hàng hải Đông-Tây trong khu vực Ấn Độ Dương đi qua Ấn Độ và một số quốc gia lân cận. Theo thỏa thuận hợp đồng với trị giá 1,12 tỷ USD và thời hạn 99 năm, đối tác Trung Quốc bảo đảm khâu phát triển thương mại và đầu tư, còn phía Sri Lanka đảm trách vấn đề an ninh cảng. 

Trong khi Thủ tướng Sri Lanka R. Wickremesinghe coi việc bán cảng nước sâu Hambantota cho đối tác Trung Quốc là một nỗ lực để giảm bớt nợ nước ngoài của nước này (Sri Lanka hiện nợ Trung Quốc 6 tỷ USD), thì phe đối lập Sri Lanka cho rằng Bắc Kinh mua lại cảng      Hambantota với mục đích quân sự, nhằm mở rộng ảnh hưởng trong vùng Ấn Độ Dương. 

Cảnh báo này không phải không có cơ sở. Theo công ty chuyên về nghiên cứu chiến lược an ninh cho các tổ chức chính phủ và tập đoàn, doanh nghiệp thương mại (Stratfor) của Mỹ, trong vòng 5 năm qua, có một xu hướng mà Stratfor quan sát được là lực lượng hải quân Trung Quốc hoạt động tích cực hơn hẳn. Số lượng nhiệm vụ được triển khai là rất cao và dự đoán sẽ còn tăng lên nữa. 

Có điều là các hoạt động nhộn nhịp của Hải quân Trung Quốc đang bị kìm hãm bởi khả năng hậu cần hạn chế trên phạm vi thế giới. Cụ thể là khả năng tiếp tế trên đường, tức là các tàu có thể tiếp nhiên liệu ngay trên biển hoặc có các cảng phục vụ công tác tiếp tế nhu yếu phẩm và bảo trì. Dù Trung Quốc có đội tàu tiếp vận lớn thứ hai thế giới, họ vẫn chỉ đảm bảo được việc tiếp tế trong khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc đầu tư mạnh để đóng các con tàu tiếp vận mới, Trung Quốc đang tích cực phát triển hệ thống cảng biển lưỡng dụng hải ngoại. Trước hết là tăng khả năng hậu cần cảng biển tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, tiếp đó là tăng khả năng hoạt động của các hạm đội Trung Quốc trên toàn cầu để thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc biển.

Từ năm 2005, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chiến lược mà Mỹ và nhiều nước gọi là “chuỗi ngọc trai” nhằm thiết lập các căn cứ trải dài đến Trung Đông. Những viên ngọc trai này là các căn cứ hải quân hoặc các cảng biển được Trung Quốc xây dựng/thuê tại Myanmar, Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka, với mục tiêu khuếch trương sức mạnh hải quân và bảo vệ các tàu chở dầu của Trung Quốc. Trong tương lai, chiến lược này của Trung Quốc sẽ lan rộng đến châu Phi và Nam Mỹ. 

Để tránh dư luận quốc tế để ý đến việc hải quân Trung Quốc mở rộng quy mô hoạt động, Bắc Kinh thường cố gắng giấu mình ở hầu hết các cảng và chưa phát triển các căn cứ hải quân đầy đủ chức năng. Với các điểm tiếp tế hải quân nằm ngoài lãnh thổ, Trung Quốc thường ít nhắc tới khía cạnh quân sự của các dự án hợp tác. Các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng hay thương mại thường được quảng bá là trọng tâm hợp tác và các tàu hải quân Trung Quốc chỉ “ghé thăm” các cảng này chứ chưa đậu lại lâu dài. 

Với dự án cảng biển Hambantota liên doanh với Sri Lanka, Bắc Kinh cũng giải thích rằng đầy là là một phần trong sáng kiến “Vành đai, con đường”  của Trung Quốc nhằm thiết lập các kết nối thương mại và giao thông không chỉ dọc châu Á mà còn vươn xa hơn nữa. Nhưng nhìn tổng thể những nơi mà Trung Quốc đã đặt chân và dự tính vươn tới, thì đây chính là bước đi nhằm cụ thể hóa tham vọng  kiểm soát các vùng biển trên toàn cầu.