Trung Quốc “theo chân” Nga ngăn chặn “giấc mơ” bảo tồn biển Nam Cực

ANTĐ - Trung Quốc và Nga đã cản trở một nỗ lực quốc tế để tạo ra các khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới ở Nam Cực.

Ủy ban Bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật biển Nam Cực (CCAMLR) đã kết thúc một cuộc họp 10 ngày ở Hobart, Úc vào hôm 31-10 mà không có sự đồng thuận cần thiết cho một thỏa thuận để bảo tồn và quản lý các hệ sinh thái biển ở Nam Cực.

Trong khi Nga 4 lần liên tiếp ngăn chặn đề xuất bảo tồn trong một thời gian dài, thì Trung Quốc lại từ chối quay lại các kế hoạch quốc tế như một sự bất ngờ cho nhiều đại biểu, điều mà trước đó Bắc Kinh cho biết sẽ hỗ trợ việc bảo tồn và bảo vệ thiên nhiên biển.

Ukraine, trước đây cùng lập trường như Nga, nhưng năm nay lại bỏ phiếu ủng hộ các đề xuất.

Trung Quốc “theo chân” Nga ngăn chặn “giấc mơ” bảo tồn biển Nam Cực ảnh 1

Các vùng biển quanh Nam Cực là một trong những hệ sinh thái
bị tàn phá nặng nề nhất trên thế giới

"Chúng tôi đã hy vọng có thể tạo ra các khu vực bảo vệ động vật biển lớn nhất thế giới, và điều này đã được xem xét và làm việc nhiều năm nay”, lãnh đạo phái đoàn Mỹ Evan Bloom nói.

CCAMLR được thành lập bằng một hiệp ước quốc tế vào năm 1982, với mục tiêu là bảo tồn sinh vật biển Nam Cực. Liên minh châu Âu và 24 quốc gia là thành viên của tổ chức dựa trên đồng thuận và hơn 11 quốc gia khác đã ký công ước này.

Thỏa thuận về khu bảo tồn đã bước đầu đạt được những hy vọng khi Úc, Pháp và Liên minh châu Âu đề nghị cắt giảm kích thước của 1 trong 2 khu bảo tồn đề xuất từ 1,9 triệu km2 vào năm 2011 xuống còn 1 triệu km2 vào cuộc họp năm nay.

Các khu bảo tồn biển khác do New Zealand và Hoa Kỳ đề xuất là khu vực rộng hơn 1,3 triệu km2 ở Biển Ross. Cả hai khu bảo tồn biển này sẽ là khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới và thiết lập giới hạn đánh bắt các loài nhuyễn thể, cá răng và các loài cá khác nhằm bảo vệ cuộc sống sinh thái ở biển.

“Trung Quốc đã thách thức hầu hết các nhiệm vụ bảo tồn được trình bày trong suốt hai tuần đàm phán. Trung Quốc là một con tàu ngược hướng trong lĩnh vực bảo tồn”, Andrea Kavanagh, một đại biểu là giám đốc của Tổ chức bảo tồn Pew Charitable Trusts đánh giá.

Richard Page, đại biểu của CCAMLR cho biết kết quả của cuộc họp thực sự đáng thất vọng bởi vì "các vùng biển quanh Nam Cực là một trong những hệ sinh thái bị tàn phá nặng nề nhất trên thế giới."

"Đó là một sự xấu hổ khi lợi ích địa chính trị được đặt lên trước những nỗ lực để bảo vệ khu vực rộng lớn của đại dương cho các thế hệ tương lai”, ông nói thêm.

Nam Cực là khu vực có hơn 10.000 loài động vật, bao gồm hầu hết các loài chim cánh cụt, cá voi, chim biển, mực ống khổng lồ và cá răng của thế giới. Vùng biển này chiếm khoảng 10% bề mặt trái đất.