Trung Quốc: Phụ nữ thất nghiệp vì định kiến

ANTĐ - Giống như nhiều nước khác, tại Trung Quốc, số phụ nữ đi học đại học nhiều hơn nam giới. Tuy nhiên, một sự bất công đang tồn tại là số phụ nữ kiếm được việc làm lại ít hơn rất nhiều do nạn phân biệt giới tính.
Trung Quốc: Phụ nữ thất nghiệp vì định kiến ảnh 1
Nữ giới ở Trung Quốc rất khó kiếm việc làm


Ưu tiên nam giới

Khi Châu Vũ Hạ, 24 tuổi, trở về Bắc Kinh sau khi du học ở Mỹ, cô vẫn khó tìm kiếm việc làm. Chuyên môn, nghiệp vụ cao phù hợp với nhiều vị trí nhưng chỉ một điều Hạ không phải là đàn ông. “Tôi đã lùng tìm ở một trang web tìm việc và thấy đăng tuyển một vị trí giám đốc marketing rất lý tưởng. Một trong những yêu cầu của nhà tuyển dụng đó là: ứng viên phải là nam giới”.

Câu chuyện của Châu Vũ Hạ xảy ra  nửa tháng sau vụ kiện phân biệt giới tính “nổi tiếng” ở Trung Quốc. Một sinh viên có tên là Tào Cúc vừa tốt nghiệp đã đâm đơn kiện Học viện Cự Nhân, một công ty gia sư tư nhân ở Bắc Kinh vì đã từ chối tuyển dụng cô chỉ vì cô là nữ giới. Vụ kiện đã khiến công ty này tiêu tốn gần 5.000 USD và cũng được coi là vụ kiện phân biệt giới tính đầu tiên ở Trung Quốc. Ông Geoff Crothall thuộc một tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền lợi công nhân ở Trung Quốc đã coi vụ kiện này là “bước đột phá quan trọng” vì không dễ dàng, nếu không muốn nói là rất khó, để các tòa án ở Trung Quốc nhận xử một vụ phân biệt giới tính. 

Một trường hợp tương tự xảy ra với Vương Hiệu, 28 tuổi. Hiệu là trợ giảng tại một công ty gia sư có tiếng ở Bắc Kinh. Sau khi người quản lý của Hiệu nghỉ việc, ông đã đề cử Hiệu thay thế vị trí của mình với giám đốc. Tuy nhiên, ông giám đốc lại muốn nam giới đảm nhiệm vị trí này và thế là Hiệu bị mất cơ hội thăng chức. Hiệu cho biết mọi vị trí cao trong công ty đều do nam giới đảm nhiệm.

Tuyển sinh cũng phân biệt

Các bậc phụ huynh ở Trung Quốc luôn mặc định một tư tưởng: con gái không thể hoặc không nên chọn những công việc tương tự như nam giới. Trong khi đó, nghề nghiệp mà các nữ sinh chọn phổ biến nhất là tiếp viên hàng không còn nam sinh thường chọn làm nhân viên hải quan hoặc lực lượng an ninh với áo chống đạn và súng lục. Nhiều ngành, khoa trong các trường đại học cũng chỉ tuyển nam. Như tại trường Đại học Công nghiệp khai thác mỏ ở tỉnh Giang Tô, cách Bắc Kinh 600km về phía nam, ngành kỹ thuật khai thác mỏ là ngành mơ ước của nhiều sinh viên, vì đây là “chuyên ngành thẻ xanh” của Trung Quốc, sinh viên được đảm bảo sẽ có việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên chỉ tiêu đầu vào của ngành này nói rõ: chỉ tuyển nam sinh.

Giải thích về vấn đề này, giáo sư Thư Kế Sâm của trường Đại học Công nghiệp khai thác mỏ cho biết: “Luật lao động Trung Quốc cho thấy việc khai thác khoáng sản không thích hợp cho phụ nữ, vì vậy chúng tôi không tuyển nữ sinh cho các khóa học”. Đây không phải là trường đại học duy nhất tại Trung Quốc đặt ra yêu cầu tuyển sinh phân biệt nam nữ. Để đảm bảo an toàn cho phụ nữ, Bộ Giáo dục Trung Quốc cấm nữ sinh học nhiều ngành, từ kỹ thuật đường hầm đến hàng không. Một trường đại học ở Đại Liên, phía bắc Trung Quốc cũng không nhận nữ sinh học ngành kỹ thuật hải quân bởi làm việc hàng tháng trên tàu được xem là quá sức chịu đựng đối với phụ nữ. 

Trong nhiều năm gần đây, nữ sinh trên khắp Trung Quốc luôn đạt điểm thi cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Vì muốn cân bằng giới tính trong các khóa học nên nhiều trường đã giảm các tiêu chuẩn nhập học cho nam sinh, chỉ những nữ sinh có điểm số cao vượt trội mới có thể trúng tuyển. Trong khi đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc khẳng định, không đưa ra tỷ lệ giới tính cố định khi tuyển sinh, ngoại trừ các học viện quân sự, quốc phòng và các trường an ninh. Tuy nhiên theo nhiều nhà điều tra, tình trạng “chuộng nam” vẫn tồn tại ở nhiều trường học.

Ngoại hình vượt trội

Không chỉ phải cạnh tranh với nam giới, phụ nữ Trung Quốc còn phải đối mặt với rào cản bất công khác đó là xu hướng tuyển dụng nữ nhân viên có hình thức ưa nhìn. Ôn Hoa, tác giả cuốn sách “Mua sắc đẹp: Trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc”, cho biết các nhà tuyển dụng đang tìm cách thu hút những người xinh đẹp nhất để giúp “bộ mặt” trông đẹp đẽ. Quan niệm cho rằng càng xinh thì vị trí việc làm càng tốt đã đẩy ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc lao vào phẫu thuật thẩm mỹ.

Phân biệt giới tính trong nghề nghiệp cũng ảnh hưởng nhiều đến sự lựa chọn của các cô gái trẻ. Nhiều ước mơ của các nữ sinh viên đối với những nghề liên quan đến khoa học, kỹ thuật nhưng đành từ bỏ khi được người thân cảnh báo phụ nữ làm nghề này dễ bị “ế chồng”. Định kiến xã hội đối với phụ nữ ở Trung Quốc là hôn nhân vẫn xếp trước sự nghiệp. Ước mơ nghề nghiệp của họ chỉ cháy bỏng trong khi “cắp sách đến trường” rồi sau đó nhanh chóng bị dập tắt bằng áp lực kiếm được một tấm chồng tốt. 

Có một thực tế là nhiều nhà tuyển dụng ở Trung Quốc công khai đưa giới tính vào yêu cầu tuyển dụng vì nhu cầu đối với một vị trí việc làm ở một nước đông dân như Trung Quốc là vô cùng lớn. Vì thế, để bớt thời gian sơ tuyển, họ đã đặt ra những điều kiện phân biệt và ngặt nghèo. Quan niệm chung ở Trung Quốc là phụ nữ đi ra nước ngoài là không an toàn nên các công việc trong nhà máy hay trong ngành kỹ thuật đòi hỏi nhân viên phải di chuyển nhiều hoặc làm việc ở nước ngoài thường chỉ tuyển nam. Mặt khác, phụ nữ càng có tuổi càng có xu hướng thích ổn định một chỗ để chăm sóc gia đình, còn nam giới vẫn ưu tiên cho sự nghiệp. Đây là một trong những cái cớ chính để các nhà tuyển dụng không tuyển nữ, dù họ có tài giỏi mười mươi.