Trung Quốc phê chuẩn đề xuất soạn thảo luật an ninh quốc gia về Hồng Kông

ANTD.VN - Bế mạc Kỳ họp thứ ba Quốc hội Trung Quốc khóa XIII ngày 28-5, Quốc hội nước này đã phê chuẩn đề xuất soạn thảo luật an ninh quốc gia về Hồng Kông. Giới phân tích cho rằng, đây là một động thái chưa từng có, có thể đe dọa các quyền tự do chính trị cơ bản và tự do dân sự ở đặc khu Hồng Kông.

Trong cuộc bỏ phiếu thông qua đề xuất soạn thảo luật an ninh quốc gia về Hồng Kông, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí với tỷ lệ rất cao: 2.878 phiếu ủng hộ, 6 phiếu trắng và chỉ có 1 phiếu chống.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ phiếu về đề xuất soạn thảo luật an ninh về Hồng Kông ngày 28-5

Một khi đã được phê duyệt, Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc sẽ soạn thảo luật, dự kiến quá trình này sẽ mất khoảng 2 tháng. Sau đó, nó sẽ được thực thi sau khi được chính quyền Hồng Kông ban hành mà không cần qua cơ quan lập pháp của đặc khu.

Về nội dung, luật an ninh quốc gia về Hồng Kông sẽ mở rộng quyền lực của chính quyền trung ương với đặc khu này như cấm ly khai, lật đổ quyền lực nhà nước, khủng bố, can thiệp nước ngoài và cho phép các cơ quan an ninh của Trung Quốc đại lục hoạt động trong thành phố.

Thông tin về việc Quốc hội Trung Quốc sẽ bỏ phiếu về dự luật này ngay tuần trước đã vấp phải sự phản ứng của người dân Hồng Kông, khi nhiều người biểu tình xuống đường và đụng độ với cảnh sát. Theo bình luận của CNN, việc phê chuẩn đề xuất xây dựng luật sẽ dẫn đến các cuộc biểu tình gay gắt hơn vì người dân đặc khu ngày càng ủng hộ phong trào đòi tự chủ và dân chủ lớn hơn.

Trong tuyên bố mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 27-5 cáo buộc luật này là một “quyết định tai hại và mới nhất trong một loạt các hành động làm suy yếu cơ bản quyền tự trị và tự do của Hồng Kông”. Việc ông Pompeo nói Hồng Kông “không còn tự chủ đối với Trung Quốc” dẫn đến lo ngại rằng Mỹ sẽ bãi bỏ tình trạng kinh tế và thương mại đặc biệt đối với đặc khu.

Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa phản hồi về tuyên bố của ông Pompeo, vốn được công bố rạng sáng 28-5 theo giờ Bắc Kinh, nhưng Bộ Ngoại giao nước này trước đó tuyên bố sẽ đáp trả bất kỳ “sự can thiệp từ bên ngoài nào”.