Trung Quốc phải tôn trọng quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông

ANTD.VN - Trung Quốc phải tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông vốn được khẳng định bằng các bằng chứng lịch sử và được luật pháp quốc tế công nhận, chấm dứt ngay các hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc phải tôn trọng quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông ảnh 1Trung Quốc phải tôn trọng quyền và lợi ích của Việt Nam trên biển được thừa nhận và bảo hộ theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982

Không chỉ dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo đá, bãi ngầm và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc từ tháng 7 tới nay đã leo thang vi phạm chủ quyền của Việt Nam khi đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 (HaiyangDizhi8) xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính.

Hành vi này xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam vốn được thừa nhận và bảo hộ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước UNCLOS 1982) - văn bản luật pháp được xem là “Bản Hiến pháp về đại dương” của cả thế giới hiện nay, được 161 quốc gia ký kết tham gia bao gồm cả Việt Nam và Trung Quốc.

Thế nhưng, phía Trung Quốc lại “đổi trắng thay đen” khi biến “thủ phạm” thành “nạn nhân” và ngược lại, lớn tiếng cho rằng Việt Nam xâm phạm chủ quyền Trung Quốc tại khu vực bãi Tư Chính (phía Trung Quốc gọi là bãi Vạn An) để từ đó “đòi” Việt Nam phải chấm dứt việc “xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”. Điều này được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng liên tục lặp đi lặp lại kể từ khi phía Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng nhiều tàu vũ trang hộ tống xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính từ đầu tháng 7 tới nay.

Mới đây nhất, trong phát ngôn ngày 18-9 tại Bắc Kinh, ông Cảnh Sảng lại tuyên bố rằng, Trung Quốc “có chủ quyền tại quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và các quyền lợi tương ứng đối với các vùng biển xung quanh quần đảo này”.

Sau khi đưa ra tuyên bố bị Việt Nam nhiều lần bác bỏ này, ông Cảnh Sảng lại lớn tiếng cáo buộc, Việt Nam vi phạm các văn bản quốc tế song phương và đa phương đã ký kết với Trung Quốc như: Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC) và Công ước UNCLOS 1982. Rõ ràng, Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông mà còn đang giở trò “vừa ăn cướp vừa la làng”.

Về vị trí địa lý, khu vực Tư Chính cách bờ biển Việt Nam khoảng 160 hải lý, cách đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) gần 230 hải lý, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới hơn 600 hải lý.

Trong khi đó, Công ước UNCLOS 1982, vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (vì lãnh hải 12 hải lý, nên thực chất vùng đặc quyền kinh tế có 188 hải lý). Theo Điều 56 của Công ước UNCLOS 1982, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó.

Quốc gia ven biển cũng có quyền chủ quyền đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển…

Cũng theo Công ước UNCLOS 1982, thềm lục địa của quốc gia ven biển là phần đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển. Điều 76 của công ước này quy định rất rõ ràng là thềm lục địa của quốc gia ven biển rộng tối thiểu 200 hải lý (kể cả khi thềm lục địa thực tế hẹp hơn 200 hải lý), nếu thềm lục địa thực tế rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia ven biển có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến tối đa 350 hải lý hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500m.

Tuy nhiên, để mở rộng thềm lục địa quá 200 hải lý thì quốc gia ven biển liên quan phải trình cho Ủy ban Thềm lục địa của Liên hợp quốc báo cáo quốc gia kèm đầy đủ bằng chứng khoa học về địa chất và địa mạo của vùng đó. Sau đó, Ủy ban Thềm lục địa của Liên hợp quốc sẽ xem xét và ra khuyến nghị.

Điều 77 của Công ước UNCLOS 1982 quy định trong thềm lục địa của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của mình. Đáng chú ý là quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền ở chỗ nếu quốc gia đó không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai thác tại đây nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển.

Như vậy, căn cứ theo Công ước UNCLOS 1982, khu vực bãi Tư Chính hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Khu vực bãi Tư Chính (Trung Quốc gọi là bãi Vạn An) hoàn toàn nằm ngoài bất cứ vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa hợp pháp nào của Trung Quốc được công nhận theo Công ước UNCLOS 1982. 

Trên thực tế, những đòi hòi chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” công bố năm 2009 đã hoàn toàn bị bác bỏ theo luật pháp quốc tế. Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) trong phán quyết đưa ra ngày 12-7-2016 sau khi thụ lý vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc đã mạnh mẽ bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Trung Quốc lấy đó làm cơ sở để đòi chủ quyền phi lý đối với 80% diện tích Biển Đông, tuyên bố yêu sách đòi chủ quyền này của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý. 

Không có cơ sở pháp lý để đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc suốt thời gian dài qua đã ỷ vào sức mạnh quân sự vượt trội của mình so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực để uy hiếp, đe dọa và dùng sức mạnh vũ lực để chiếm đóng trái phép các đảo và thực thể trên vùng biển chiến lược này.

Trung Quốc cũng cậy vào sức mạnh kinh tế và quân sự để ráo riết tiến hành quân sự hóa các đảo và thực thể chiếm đóng trái phép ở trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, lấy đó làm căn cứ quân sự, làm bàn đạp để hiện thực hóa tham vọng “độc chiếm” Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” đã bị bác bỏ bởi luật pháp quốc tế.

Cùng với việc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc còn gia tăng các hoạt động xâm phạm chủ quyền hợp pháp của các nước trên Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc cũng tìm mọi cách cản trở các hoạt động kinh tế hợp pháp của Việt Nam được công nhận và bảo hộ theo Công ước UNCLOS 1982 với các vùng biển thuộc chủ quyền của mình.

Những hành vi hung hăng, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã đe dọa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông. Đồng thời, những hành vi đe dọa và sử dụng vũ lực này đã đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải và tự do hàng không ở Biển Đông, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực cũng như thế giới.

Việt Nam thời gian qua đã kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình, được xác định phù hợp với các quy định của Công ước UNCLOS 1982. Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này và rút toàn bộ nhóm tàu Hải Dương ra khỏi vùng biển Việt Nam. Trong cuộc hội đàm ngày 21-9 vừa qua với với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam một lần nữa nêu rõ lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, không để tiếp diễn tình hình phức tạp trên biển.