Trung Quốc "mất mặt" vì tuyên bố chung của G-7

ANTĐ - Ít lâu sau khi Hội nghị Ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7) đã ra tuyên bố chung, trong đó đề cập đến tình hình trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc đã có những tuyên bố thể hiện sự tức giận. Tuy nhiên, bất chấp quan điểm của Bắc Kinh, tuyên bố chung của G-7 đã nhấn mạnh tới vấn đề tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay.

Trung Quốc "mất mặt" vì tuyên bố chung của G-7 ảnh 1Ngoại trưởng các nước thuộc G-7 và đại diện của EU 

Đề cập đến vấn đề an ninh hàng hải, Tuyên bố chung Hiroshima nhấn mạnh an toàn và tự do hàng hải là nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng của thế giới.

Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), đồng thời kêu gọi các quốc gia tuân thủ các phán quyết của tòa án quốc tế về giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.

Các nước G-7 cam kết sẽ nỗ lực để bảo đảm tự do hàng hải và hàng không tại các vùng biển cũng như đảm bảo các hoạt động hợp pháp trên biển được quốc tế công nhận như đi qua vô hại, quá cảnh và sử dụng các lộ trình hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế.  

Các ngoại trưởng bày tỏ quan ngại về tình hình trên Biển Đông và Biển Hoa Đông,  nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời phản đối các hành động đơn phương mang tính khiêu khích hoặc gây sức ép nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng.

Tuyên bố kêu gọi các nước kiềm chế các hành động bồi đắp trái phép quy mô lớn và xây dựng các cơ sở phục vụ mục đích quân sự. Tuyên bố kêu gọi các bên liên quan thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến hành việc thiết lập Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả.

Tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc ngày càng có những hành động thể hiện mục đích bành trướng của mình. Đặc biệt là ở Biển Đông, Trung Quốc đã cải tạo một số bãi đá, bãi san hô để củng cố cho tuyên bố của mình, bất chấp sự phản đối của Philippines, Việt Nam và một số nước khác cũng đòi chủ quyền về toàn phần hoặc một phần vùng biển.

Gián tiếp nhắc đến vụ kiện Trung Quốc của Philippines, nhóm G-7 cũng kêu gọi các nước tuân thủ Luật Hàng hải quốc tế và thực thi bất kỳ phán quyết có tính ràng buộc nào của các tòa án và tòa trọng tài. Manila đã đề nghị Tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague phân xử tranh chấp với Bắc Kinh.

Ông Malcom Davis, nhà phân tích kỳ cựu tại Viện Chính sách chiến lược Australia ở Canberra, cho rằng: “G-7 đang có những cử chỉ để làm rõ với Trung Quốc rằng nếu họ làm gì hơn nữa, sẽ có cái giá phải trả. Tuyên bố của G-7 mang lại cho Mỹ một cơ sở vững mạnh hơn nhiều để 

Washington đi đến với các đồng minh chủ chốt, gồm cả Australia và giúp họ phối hợp nhịp nhàng với Mỹ”.

Ông Davis cho rằng, Mỹ muốn vận động sự ủng hộ chính trị quốc tế trước khi Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm đi đến một tuyên bố tương tự của Liên hợp quốc sẽ bị chặn đứng bởi Trung Quốc - một Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an. Ông Davis nhận định: “Tuyên bố của G-7 có lẽ là điều tốt nhất mà Mỹ có thể có được vào giai đoạn này”.

Có thể thấy, Trung Quốc không muốn “mất mặt” trong phán quyết của toà án sắp tới. Cần phải nhớ rằng, một ngày trước khi Hội nghị Ngoại trưởng G-7 khai mạc, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đã nhắc lại quan điểm xuyên suốt của Washington là thảo luận về các vấn đề an ninh tại bất kỳ cuộc họp nào với các đối tác quan trọng ở châu Á. Hồ sơ Biển Đông là một trong những vấn đề an ninh đó.

Theo ông Toner, diễn biến tình hình Biển Đông “là điều quan trọng đối với khu vực, đối với sự ổn định của khu vực”, do đó Mỹ cho rằng, “chủ đề này cần được đặt lên bàn thảo luận”.

Quan điểm này của Mỹ cũng được Nhật Bản tán đồng. Là nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh G-7 năm nay, trước ngày khai mạc hội nghị cấp ngoại trưởng, Chính phủ Nhật nhiều lần cho biết sẽ thúc đẩy thảo luận vấn đề Biển Đông tại hội nghị lần này.

Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin cho biết, giới chức nước này đang điều phối công bố một  “Văn kiện đặc biệt” tại Hội nghị Ngoại trưởng G-7, lần đầu tiên bày tỏ sự quan tâm về cái gọi là  “Trung Quốc thúc đẩy xây dựng quân sự hóa các đảo tại Biển Đông, bày tỏ cực lực phản đối việc đơn phương thay đổi hiện trạng.

“Văn kiện đặc biệt” này còn đề cập tới vấn đề Biển Hoa Đông, nhằm tăng cường khối đoàn kết G-7 để xác định pháp quyền trên biển, hối thúc Hội nghị Thượng đỉnh G-7 diễn ra vào hạ tuần tháng 5 tới đạt được thỏa thuận về kiềm chế Trung Quốc.

Tiếp sau Hội nghị Ngoại trưởng G-7, Hội nghị Thượng đỉnh G-7 sẽ diễn ra vào tháng 

5-2016. Các nhà ngoại giao Trung Quốc có thể sẽ bận rộn vào thời gian tới nhằm tìm cách gây ảnh hưởng tới chương trình nghị sự của hội nghị đó.

Hội nghị Thượng đỉnh G-7 lại được Nhật Bản đăng cai tổ chức. Tuy nhiên, sau đó đến lượt Trung Quốc sẽ tổ chức Hội nghị G-20 tại Hàng Châu vào tháng 9-2016. Vào thời điểm đó, Trung Quốc sẽ ở vào tình thế được quyết định các hoạt động, trong đó có cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.