Trung Quốc mạnh tay xử lý hệ thống "ngân hàng ngầm"

ANTĐ - Một khi cuộc suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu trở nên rõ ràng, thì các vấn đề của hệ thống tín dụng bất hợp pháp - “ngân hàng ngầm” của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện. Trong một động thái mới đây, ông Mạnh Khánh Phong - Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc đã thông báo: Từ nay đến cuối tháng 11, sẽ mở chiến dịch loại bỏ các “ngân hàng ngầm” trong cả nước.
Trung Quốc mạnh tay xử lý hệ thống "ngân hàng ngầm" ảnh 1

Trung Quốc có một hệ thống tín dụng bất hợp pháp - “ngân hàng ngầm” (Shadow Banking System) - gồm những hoạt động cho vay tư nhân giữa các cá nhân, tiệm cầm đồ và hoạt động cho vay “cắt cổ” ở các thị trường mới nổi, hay những giao dịch phát sinh, các quỹ thị trường tiền tệ, cho vay chứng khoán, thỏa thuận mua lại giữa các định chế tài chính... Mặc dù rủi ro rất lớn, nhưng trong 5 năm qua hệ thống tín dụng bất hợp pháp này của Trung Quốc đã vận hành số tiền rất lớn tới hơn 17.000 tỷ Nhân dân tệ.

Nhận thấy rủi ro từ những hình thức tín dụng này là rất lớn, Chính phủ Trung Quốc đã và đang vật lộn để có thể kiểm soát các “ngân hàng ngầm” trong nhiều năm qua. Ông Mạnh Khánh Phong, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc cho biết: Trong tháng 4-2015, Bộ Công an đã phối hợp với Ngân hàng Trung ương, Cục Quản lý ngoại hối tổ chức một đợt truy quét hoạt động chuyển tiền trái phép của các “ngân hàng ngầm” và các công ty đặt ở nước ngoài.

Công an các tỉnh, thành phố như Quảng Đông, Thượng Hải, Liêu Ninh, Triết Giang, Tân Cương đã liên tiếp phá được một loạt vụ án nghiêm trọng. Tính đến nay, Công an Trung Quốc đã phá vỡ 66 “ngân hàng ngầm”, bắt hơn 160 kẻ tình nghi phạm tội, tổng số tiền liên quan lên tới 430 tỷ Nhân dân tệ. Tuy nhiên, theo ông Mạnh Khánh Phong, mặc dù đợt bóc gỡ “ngân hàng ngầm” vừa qua đã đạt được thành quả bước đầu, nhưng tình hình hoạt động phạm tội về tiền tệ vẫn rất gay gắt, phức tạp, địa bàn phạm tội hiện đang có xu thế lan rộng.

Các “ngân hàng ngầm” không chỉ liên quan đến tội phạm về tiền tệ, thị trường chứng khoán, mà còn là hành lang, con đường để bọn tội phạm chuyển tiền do phạm tội mà có; trở thành công cụ để các phần tử tham nhũng rửa tiền, bọn khủng bố chuyển tiền. Một lượng khá lớn “nguồn vốn xám” đã bị chảy ra bên ngoài thông qua các “ngân hàng ngầm”, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng và đánh mạnh vào việc quản lý ngoại hối, mà còn gây nhiễu loạn nghiêm trọng trật tự thị trường tiền vốn quốc gia, gây nguy hại đến an toàn tiền tệ của đất nước.

Trong chiến dịch này, Bộ Công an Trung Quốc đặc biệt chú trọng phát hiện các hoạt động tội phạm chuyển tiền trái phép liên quan đến thị trường chứng khoán, tham nhũng, hoạt động khủng bố… kiên quyết chặn đứng xu thế lây lan của hoạt động “ngân hàng ngầm”, tín dụng đen.

Cho vay ủy thác là hình thức mới của hoạt động “vay vốn ngầm”. Đây là hình thức luân chuyển dòng vốn giữa các công ty, đặc biệt là từ các công ty sở hữu Nhà nước (SOEs) sang các công ty kém liên kết khác. Theo thống kê, trong tháng 3 đầu năm ngoái, giá trị của các khoản tín dụng ủy thác ở Trung Quốc khoảng 239 tỷ Nhân dân tệ, tăng hơn 64 tỷ so với năm ngoái. Các công ty huy động 716 tỷ Nhân dân tệ thông qua các khoản tín dụng ủy thác; trong khi đó giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được chỉ vào khoảng 385 tỷ Nhân dân tệ.

Hồi đầu tháng 7 vừa qua, trước tình hình thị trường chứng khoán mất điểm nghiêm trọng, Bộ Công an đã cùng với Ủy ban Giám sát thị trường chứng khoán tiến hành nghiên cứu, phân tích, huy động lực lượng công an cả nước đánh phá hoạt động phạm tội trong lĩnh vực chứng khoán, khiến tình hình thị trường biến đổi có lợi… Theo Hãng Nghiên cứu Yingcan Group, số tiền các tổ chức/cá nhân cho vay qua Internet để mua bán chứng khoán đã tăng hơn gấp 3 lần, lên mức 8 tỷ USD trong quý II/2015.

Sau khi giới chức Đại lục ban hành lệnh cấm việc mua bán chứng khoán từ các nguồn này, các khoản nợ từ các nguồn trên để mua bán chứng khoán đã giảm 61% trong tháng 7, so với mức đỉnh vào tháng 6. Rủi ro từ những hình thức tín dụng này là rất lớn. Khủng hoảng ở các “ngân hàng ngầm” có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Sự suy thoái trong một vài ngành công nghiệp có thể gây rắc rối cho các “ngân hàng ngầm” và gây nên tình trạng hỗn độn trên thị trường tài chính.

Zhongxin Quick Loans - một tổ chức cho các công ty và cá nhân vay tiền tại tỉnh Giang Tô cho biết, họ đã phải thanh toán hết các khoản cho vay và nợ, bởi vì người vay không thể trả tiền, trong khi các nhà đầu tư đòi rút vốn. “Giới chức Trung Quốc nhận ra rằng, thị trường tài chính đang phải đối mặt với quá nhiều nguy cơ. Các công ty cho vay thông qua mạng, vốn đang tập trung vào thị trường chứng khoán, sẽ phải thay đổi mục tiêu sang các thị trường nhỏ hơn”, Zhu Mingchun, người sáng lập Yingcan Group tại Thượng Hải cho biết.

Tại Trung Quốc, các ngân hàng có vốn của Nhà nước bị giới hạn bởi lãi suất cho vay và áp lực phải cho các doanh nghiệp nhà nước lớn vay vốn, điều này khiến mở rộng thêm quy mô của các dòng tiền mờ. Tổng các khoản tiền cho vay tại Trung Quốc trong năm 2014 của Công ty vào khoảng 41 tỷ USD và sẽ vượt qua mức 332 tỷ USD vào năm 2017, theo dự báo của Maybank Kim Eng Securities Pte.