Trung Quốc: Lớp giáo dục trấn áp… con nhà giàu

ANTĐ - Thời gian gần đây, cụm từ “Phú nhị đại” hay “Thế hệ siêu giàu thứ hai” đang là một cụm từ nóng ở Trung Quốc, ám chỉ các cậu ấm cô chiêu của các chủ công ty, tập đoàn hay quan chức cao cấp chính phủ. Những “Phú nhị đại” cho chó cưng đeo đồng hồ thông minh Apple Watch bằng vàng, đốt tiền, đập phá những chiếc siêu xe như một thú vui, rồi khoe mẽ trên mạng xã hội…
  Trung Quốc: Lớp giáo dục trấn áp… con nhà giàu  ảnh 1

Bạc Qua Qua, “cục vàng” của Bạc Hy Lai - không đốt tiền, không sex sao xứng với “thiếu gia”

Đủ kiểu ngông cuồng, khoe mẽ

 

Có thể nói những vụ bê bối của thế hệ phú nhị đại Trung Quốc thực sự được phanh phui kể từ năm 2012, liên quan đến vụ scandal của Lệnh Cốc - con trai của ông Lệnh Kế Hoạch, cựu Phó Chủ tịch Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Theo đó, Lệnh Cốc lái siêu xe Ferrari gây tai nạn ở Bắc Kinh và tử vong. Trong xe Lệnh Cốc chở hai cô gái khỏa thân. 

Sự giàu có và thích khoe mẽ của giới con nhà giàu Trung Quốc càng được tô đậm thêm khi hồi tháng 5 vừa rồi, Wang Sicong, con trai của nhà tài phiệt Wang Jianlin, người giàu nhất Trung Quốc đăng ảnh chó cưng đeo hai chiếc đồng hồ thông minh của hãng Apple bằng vàng thật ở hai chân trước. Mỗi chiếc Apple Watch tại Trung Quốc có giá bán lẻ dao động từ 1.000 - 2.000 USD tùy phiên bản.

Bên cạnh những bức ảnh trên trang Weibo riêng của con chó, cậu ấm còn viết như sau: “Đáng ra phải đeo ở cả bốn chân cơ, tại tôi có bốn chân mà, nhưng như thế có vẻ hơi quá nên tôi đeo hai cái thôi. Nhưng tôi nhất định không thể đeo ít hơn hai cái, vì như thế sẽ không hợp với đẳng cấp của tôi”. Chưa dừng lại ở đó, với câu châm ngôn sống “có tiền là có tất cả”, Vương thiếu gia đã từng chi tới 1,5 triệu USD để mời nhóm nhạc AKB48 từ Nhật Bản sang Trung Quốc chỉ đề mặc bộ đồng phục mà anh ta thiết kế và chụp ảnh cùng.

Trên mạng xã hội, “tiểu thư” Zhang Jiale, 22 tuổi, con gái của doanh nhân Zhang Jun, một ông trùm ngành điện tử, bảo hiểm và địa ốc, có sở thích đặc biệt là giả trai để ăn chơi thác loạn, thường xuyên khoe những chiếc túi xách hàng hiệu trị giá nhiều chục nghìn USD. Có lần Zhang khoe ảnh ăn mặc như đàn ông, ngồi trong một chiếc máy bay riêng, có 6 cô gái trẻ đẹp vây quanh. Tự tay tung lên những bức ảnh ăn chơi sa đọa của mình, vị “thiếu gia” trẻ tuổi khiến nhiều người tranh cãi khi phát ngôn “Tiền là rác, quyền là trò chơi”. 

Ở phương trời Tây, phần lớn các học sinh, sinh viên Trung Quốc giàu có tới trường học ở Mỹ vào ban ngày và khoe đẳng cấp xã hội của họ trong những cuộc gặp gỡ bí mật vào ban đêm. Những cuộc “gặp mặt để khoe khoang” này thường có sự hiện diện của các cô nàng xinh đẹp với váy ngắn cũn cỡn, túi xách hàng hiệu trên tay, giày cao gót đắt tiền dưới chân và hiển nhiên là các siêu xe, với đủ loại từ Maserati, Ferrari, Bentley cho tới Lamborghini.  

Lớp “giáo dục” của Chính phủ sẽ hiệu quả?

Trước sự bất bình của công chúng về lối sống xa hoa trác táng của thế hệ phú nhị đại, mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai yêu cầu Ủy ban Mặt trận thống nhất (UFWD), cơ quan phụ trách các mối quan hệ với giới thượng lưu không làm chính trị ở Trung Quốc phải “dẫn dắt doanh nhân khu vực tư nhân, nhất là thế hệ con cái của họ, giúp họ hiểu được nguồn gốc của cải của mình và biết cách cư xử sau khi trở nên giàu có”.

​Ủy ban này sẽ “hướng giới trẻ giàu có đi theo con đường đúng đắn, yêu nước, sáng tạo, tôn trọng luật pháp, liêm chính và có đóng góp cụ thể cho xã hội”. UFWD nhấn mạnh: “Một số người trẻ giàu có chỉ biết rằng họ giàu mà không biết nguồn gốc tiền bạc mình có. Họ chỉ biết khoe của mà không biết tạo ra tài sản”.

Ngay sau đó, Nhật báo Thanh niên Trung Quốc đưa một tin “sốc”: 70 cậu ấm cô chiêu của các tỷ phú Trung Quốc đã được gửi đến tham dự một khóa huấn luyện trách nhiệm với xã hội và lòng yêu nước tại Phúc Kiến. Những “phú nhị đại” này có độ tuổi trung bình khoảng 27. Trong trường, họ phải học các giá trị của Khổng giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Nội quy của nhà trường hết sức nghiêm ngặt. Bất cứ ai đến muộn đều phải nộp phạt 1.000 Nhân dân tệ. Theo trưởng khóa huấn luyện You Xiaoming, số tiền đó không lớn với những người giàu có, nhưng điều này sẽ giúp xây dựng ý niệm về trách nhiệm cho họ.

​Nhiều nhà phân tích cho rằng gốc rễ của các vấn đề ở thế hệ “phú nhị đại” xuất phát từ việc họ luôn phải cô đơn vì thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, phần lớn các ông bố bà mẹ “chăm” cấp tiền cho con để chúng thỏa mãn thú vui xa xỉ của mình.

​Wang Daqi, tác giả cuốn sách “Con cái của giới nhà giàu” mới xuất bản cho biết thế hệ “phú nhị đại” phải trải qua một tuổi thơ cô độc… Họ thường được ra nước ngoài học, và cha mẹ họ cảm thấy có lỗi nên bù đắp bằng cách cho họ thêm thật nhiều tiền”. Đồng quan điểm, tờ Nhật báo Quảng Châu có đăng một bài báo về “con nhà giàu”, trong đó có viết: “Những bậc cha mẹ giàu có thường quan tâm nhiều đến việc làm giàu hơn là chăm lo cho con cái họ. Việc thiếu thốn quan hệ cha mẹ - con cái đã ươm mầm cho những hành vi xấu”.

Tác giả Wang Daqi không nghĩ chính phủ sẽ thành công khi cố mang các giá trị truyền thống đến với thế hệ “phú nhị đại”: “Chẳng ích gì đâu. Tôi từng đến dự một bữa tiệc do chính phủ tổ chức ở Macau tháng trước. Bữa tiệc được thiết kế cho những thanh niên con nhà giàu, để họ xích lại gần nhau (và với các quan chức chính phủ). Nhưng bọn họ rốt cuộc chỉ ngồi thi uống rượu với nhau và chẳng thèm nói chuyện với các quan chức một câu”.