Trung Quốc hành xử khuất tất trước diễn đàn quốc tế, không đáng mặt nước lớn

ANTĐ -Chiều 3-6, ngay sau cuộc tiếp xúc song phương  với đoàn quốc phòng Việt Nam, đoàn Trung Quốc đã phát tờ rơi có nội dung xuyên tạc về chủ quyền ở Biển Đông cho các đại biểu quốc tế tham dự Đối thoại Shangri-La  ở Singapore. Theo PGS-TS-Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an, hành động này của Trung Quốc thực sự không đáng mặt một cường quốc.

PGS-TS-Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an

Trung Quốc "lạy ông tôi ở bụi này"

-Báo An ninh Thủ đô: Tại một diễn đàn quốc tế, hành xử trên của Trung Quốc có “đáng mặt” nước lớn không thưa ông?

-PGS-TS Lê Văn Cương: Đây là việc làm quen thuộc của Trung Quốc. Có thể nhắc lại, Bắc Kinh từng “chơi trò” tiểu xảo này năm 2012 khi ban hành mẫu hộ chiếu mới có in bản đồ Trung Quốc và vẽ thêm “đường lưỡi bò” đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, cùng đảo Đài Loan và hai vùng lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ.

Hành động này của Trung Quốc thực sự không đáng mặt một cường quốc, thậm chí quốc gia nhỏ nhưng có văn hóa cũng sẽ không làm vậy. Xét đến cùng, đây là sự lừa dối và là hành động thiếu trung thực trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, càng xuyên tạc, càng bộc lộ Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào đối với yêu sách trong vùng nước thuộc “đường 9 đoạn (đường lưỡi bò)”; cũng như tỏ rõ Bắc Kinh phi pháp trong việc cải tạo đảo nhằm xây dựng căn cứ quân sự trên Biển Đông.

Hành động của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La lần này chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”.

-Đây không phải lần đầu Trung Quốc tỏ rõ bộ mặt xấu xí tại diễn đàn lớn. Trước đó là việc quan chức cấp cao nước này tranh cãi gay gắt tại các diễn đàn đa phương. Nữ hoàng Anh cũng từng nói cách hành xử của quan chức Trung Quốc rất “dị thường”, “thô lỗ và phi ngoại giao”. Ông đánh giá thế nào?

-PGS-TS Lê Văn Cương: Tôi cho rằng, người Anh đánh giá như vậy là khách quan, công bằng. Trong mấy năm gần đây, khi Mỹ tập trung vào chính sách xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc cũng nỗ lực mở rộng quan hệ ngoại giao bằng con đường hợp tác kinh tế với các quốc gia khác, trong đó có Anh. Nhưng nếu người Anh đã nhận xét như vậy, có nghĩa họ rất bất bình trước cách cư xử của phía Trung Quốc.

-Trung Quốc hiện hành động một cách trắng trợn, không cần giấu giếm dã tâm ở Biển Đông. Đối với quan hệ quốc tế, những hành động này nguy hiểm như thế nào?

-PGS-TS Lê Văn Cương: Mối nguy hiểm của hành động này có thể xét trên 2 phương diện: tác động tới an ninh khu vực và ảnh hưởng tới quan hệ của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế. Về phương diện thứ nhất, việc bất chấp luật pháp quốc tế, cải tạo đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo, rồi quân sự hóa chúng với sân bay, trạm radar tần số cao, hải đăng… đã giúp Trung Quốc giám sát chặt chẽ máy bay, tàu thuyền đi lại qua khu vực phía bắc eo biển Malacca và Biển Đông. Hành động này của Bắc Kinh là vi phạm luật pháp quốc tế, trực tiếp đe dọa đến an toàn, an ninh, hàng không hàng hải của Biển Đông – con đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới.

Về phương diện thứ hai, trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và quốc tế, việc Bắc Kinh hành động một cách trắng trợn ở Biển Đông sẽ càng khiến cộng đồng thế giới không tin tưởng nước này. Dù Trung Quốc từng nhiều lần rao giảng ủng hộ quyền tự do hàng hải và nhấn mạnh các công trình trên đảo nhân tạo chủ yếu phục vụ mục đích dân sự.

Hành động trắng trợn của Trung Quốc trên Biển Đông cũng khiến quốc gia này bị phơi bày bản chất tham vọng, hiếu chiến trước con mắt quan sát của cộng đồng thế giới; thức tỉnh quốc tế cảnh giác với lực lượng đang lên, như Trung Quốc. Lịch sử thời kỳ đầu thế kỷ 20 đã cho thấy quá trình nổi lên của những lực lượng trỗi dậy dễ phá vỡ trật tự, ổn định của thế giới.

Cần một tuyên bố chung phản đối

-Có phân tích cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Trong bối cảnh này, các nước liên quan cần có động thái gì?

-PGS-TS Lê Văn Cương:  Từ Đối thoại Shangri-La (Singapore) năm 2015, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, đã ngang nghiên nói: Trung Quốc có quyết định thiết lập ADIZ trên Biển Đông hay không là tùy thuộc vào việc có mối đe dọa nào đối với an ninh hàng không và hàng hải của nước này trong khu vực hay không.

Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông, điều này trái ngược với luật pháp quốc tế, với Công ước về Luật Biển năm 1982. Năm 2013, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập ADIZ trên bầu trời Biển Hoa Đông, bao trùm lên quần đảo Senkaku mà Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và đá ngầm Socotra mà Trung Quốc tranh chấp với Hàn Quốc. Tôi cho rằng, việc Bắc Kinh tuyên bố để ngỏ khả năng thiết lập ADIZ trên Biển Đông chỉ càng làm cho tình hình an ninh ở Biển Đông nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung thêm căng thẳng và đi ngược lại xu hướng hợp tác phát triển.

Trong bối cảnh này, 10 nước ASEAN cần đoàn kết để thống nhất một nhận thức đúng đắn, sau đó ra tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc dừng ngay hành động đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đây là văn kiện được các nước ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002 tại Phnom Penh (Campuchia) với mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Còn những quốc gia có ảnh hưởng trong và ngoài khu vực như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ cũng cần có thái độ cứng rắn. Theo quan sát của tôi, những cường quốc không liên quan trực tiếp tới Biển Đông, gần đây đã có nhiều hơn những tuyên bố mạnh mẽ phản đối Trung Quốc.

-Trung Quốc nói sẽ phớt lờ phán quyết của tòa án về vụ bị Philippines kiện liên quan tới Biển Đông. Liệu có phải vai trò của Tòa trọng tài thường trực quốc tế không ảnh hưởng gì tới nước lớn như Trung Quốc?

-PGS-TS Lê Văn Cương: Cuối năm 2013 Philippines kiện Trung Quốc, gửi hồ sơ lên Tòa trọng tài thường trực quốc tế được thành lập theo một phụ lục trong Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc. Nội dung kiện yêu cầu tòa đưa ra phán quyết: Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng nước trong “đường 9 đoạn” là đi ngược lại với Công ước Luật Biển năm 1982. Và năm 2015, Tòa trọng tài thường trực đã ra phán quyết khẳng định có đủ thẩm quyền xét xử đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Như vậy, lập luận của Trung Quốc là sai lầm khi cho rằng Tòa trọng tài thường trực quốc tế không đủ trách nhiệm để xử lý vụ kiện này và không tham gia.

Tòa trọng tài thường trực quốc tế có thể sẽ ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc vào tháng 6 này. Theo dự đoán của tôi, phán quyết sẽ có lợi cho Philippines, nghĩa là: yêu sách của Trung Quốc đối với vùng nước trong “đường 9 đoạn” đi ngược lại với Công ước Luật biển năm 1982.

Nếu Trung Quốc phản đối phán quyết, nước này sẽ rơi vào tình huống pháp lý cực kỳ khó khăn. Tòa trọng tài thường trực quốc tế mang danh nghĩa công pháp quốc tế. Khi Trung Quốc chống lại phán quyết của tòa này, tức là chống lại luật pháp quốc tế, chống lại lương tri của loài người, thì càng bộc lộ bản chất là một quốc gia thiếu trách nhiệm, chà đạp lên luật pháp.