Trung Quốc giành lại vị thế trong tiến trình hòa đàm trên bán đảo Triều Tiên

ANTD.VN - Quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng đang chuyển dịch theo hướng nồng ấm. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang cận kề. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã tăng tốc các hoạt động ngoại giao để giữ vai trò trung tâm trong hồ sơ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Điều này thể hiện trong chuyến thăm Triều Tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, quan chức cấp cao nhất của Bắc Kinh tới Bình Nhưỡng trong nhiều năm qua. Sau khi hội đàm với Ngoại trưởng Triều Tiên và lắng nghe người đồng cấp trình bày về kết quả đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, Ngoại trưởng Vương Nghị đã hội kiến nhà lãnh đạo Triều Kim Jong-un.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin hai bên đã thảo luận “sâu rộng” về quan hệ song phương, trao đổi quan điểm về các biện pháp phát triển mối quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống cũng như các vấn đề “quan tâm chung, trong đó có đường hướng và triển vọng phát triển tình hình trên Bán đảo Triều Tiên”. 

Trung Quốc giành lại vị thế trong tiến trình hòa đàm trên bán đảo Triều Tiên ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) trong cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bình Nhưỡng

Tăng cường các kênh liên lạc chiến lược

Theo đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã chúc mừng việc hai miền Triều Tiên tiến hành thành công cuộc gặp thượng đỉnh, mang lại nhiều cơ hội tốt cho một giải pháp chính trị đối với vấn đề Bán đảo Triều Tiên. Ông Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh ủng hộ việc chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và Bình Nhưỡng chuyển chiến lược tập trung sang xây dựng và phát triển kinh tế. Trung Quốc khẳng định sẵn sàng duy trì liên lạc với Triều Tiên liên quan tới vấn đề này và tăng cường phối hợp giữa hai nước. 

Về phần mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định lập trường nhất quán của Bình Nhưỡng là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Theo ông, Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại đối thoại, thiết lập sự tin tưởng lẫn nhau và tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ dẫn đến mối đe dọa đối với nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nhấn mạnh sẵn sàng tăng cường các kênh liên lạc chiến lược với Trung Quốc. 

Đây được xem là lời cam kết của Triều Tiên đối với vai trò của Bắc Kinh trong tiến trình hòa đàm trên bán đảo Triều Tiên khi các chuyển động địa chính trị ở khu vực trong thời gian tới đang dần định hình. 

Trong suốt thời gian từ năm 2003-2009, Bắc Kinh đóng vai trò trọng yếu trong các vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Trung Quốc không ngừng kêu gọi Mỹ đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim 

Jong-un trong những tuần sắp tới và khi hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên ra tuyên bố chung cam kết “sẽ kết thúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên”, dường như bài toán của Triều Tiên trở nên phức tạp hơn đối với Bắc Kinh trong việc duy trì tầm ảnh hưởng. 

Trung Quốc lo ngại điều gì?

Lo ngại đầu tiên của Bắc Kinh là mối quan hệ trong tương lai giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Mặc dù trước khi dự thượng đỉnh liên Triều ở Panmonjom, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã sang tận Bắc Kinh để hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng Trung Quốc dường như không còn tự tin về ảnh hưởng của mình với Ban lãnh đạo hiện thời của Bình Nhưỡng, nhất là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ trực tiếp đối thoại với nhau.

Nếu một thỏa thuận lớn có thể đạt được giữa hai bên, dưới hình thức phi hạt nhân hóa để đối lấy bình thường hóa quan hệ song phương, thì Đông Bắc Á có thể chứng kiến một sự điều chỉnh lớn với kết quả có thể là Triều Tiên hoặc bán đảo Triều Tiên thống nhất nghiêng về phía Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc luôn muốn các quốc gia khác coi nước này là một nhân tố quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong khu vực Đông Bắc Á. 

Hơn thế, trước các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, Triều Tiên đã từ bỏ yêu cầu đòi Mỹ rút hết quân ra khỏi Hàn Quốc, như một điều kiện cho việc phi hạt nhân hóa. Việc Mỹ vẫn duy trì binh lính cùng các vũ khí tối tân hiện đại ở Hàn Quốc khiến Bắc Kinh vô cùng quan ngại. Vì thế, theo phân tích của các chuyên gia chính trị, một kết quả thuận lợi "giữ nguyên hiện trạng" theo hướng đạt được một hiệp ước hòa bình trên bán đảo Triều Tiên tại cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là ít nguy hiểm hơn đối với Bắc Kinh. 

Vì thế, ngay sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Triều Tiên dường như làm Bắc Kinh “yên lòng” khi bắt đầu lên tiếng kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và rút Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) khỏi lãnh thổ Hàn Quốc, một trong rất hiếm hoi các điều kiện Bình Nhưỡng đề cập đến từ sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều.