Trung Quốc điều chỉnh chính sách để "cùng thắng" với châu Phi

ANTD.VN - Châu Phi tiếp tục có vị trí quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh sẽ điều chỉnh chính sách để trở thành người bạn “cùng thắng” với châu Phi chứ không phải chỉ khai thác tài nguyên.

Dự án đường sắt trị giá 4 tỷ USD do Trung Quốc xây dựng ở Djibouti

Thông điệp này một lần nữa lại được nhắc tới trong chuyến công du đang diễn ra tại châu Phi của Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Theo ông Vương Nghị, việc các Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc chọn châu Phi cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên mỗi năm trong gần 30 năm qua đã trở thành một truyền thống trong ngành ngoại giao Trung Quốc.

Dù là người đến sau nhưng chỉ trong vòng vài thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã nhanh chóng vươn lên để trở thành đối tác thương mại hàng đầu và là một trong các nhà đầu tư chính tại châu Phi. Theo một nghiên cứu do Công ty Ernst & Young công bố, trong giai đoạn 2005 - 2016, Trung Quốc đã đầu tư vào 293 dự án với tổng số vốn khoảng 66,4 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở châu Phi.

Không chỉ là nguồn cung nguyên nhiên liệu, châu Phi còn là “thiên đường” tiêu thụ các sản phẩm “Made in China”. Dữ liệu do Vụ châu Phi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cung cấp cho thấy khối lượng giao dịch Trung Quốc - châu Phi đã tăng 200 lần, từ 765 triệu USD năm 1978 lên 170 tỷ USD trong năm 2017. Trung Quốc cũng duy trì vị trí là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi trong 8 năm liên tiếp.

Chẳng thế mà chỉ trong vòng 5 năm nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã 4 lần công du tới châu Phi. Tháng 9-2018, Trung Quốc trải thảm đỏ đón 53 lãnh đạo châu Phi đến dự thượng đỉnh “Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi” lần thứ 7 tại Bắc Kinh. Tại đây, Bắc Kinh công bố cam kết hỗ trợ thêm 60 tỷ USD cho châu Phi, trong đó có 15 tỷ cho vay không hoàn vốn và vay không lãi suất, đồng thời xóa bớt nợ cho nhiều nước châu Phi đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, bên cạnh những khía cạnh tích cực, hợp tác, đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi cũng mang đến nhiều mặt trái. Với lợi thế là nước cho vay, Trung Quốc thường buộc các nước phải chấp nhận luật chơi tài chính của mình và thường không theo các tiêu chuẩn quốc tế truyền thống. Sự mập mờ của các hợp đồng vay vốn đi kèm với tình trạng tham nhũng và quản lý yếu kém tại hầu hết các nước châu Phi dẫn đến nguy cơ nhiều nước châu Phi trở thành con nợ của Trung Quốc.

IMF, G20 và Mỹ gần đây đều cảnh báo các nước châu Phi đang quá phụ thuộc vào nợ Trung Quốc. Nếu tiếp tục tham gia vào các dự án có tổng trị giá hàng nghìn tỷ USD của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), châu Phi sẽ rơi vào “bẫy nợ” có nguy cơ đánh mất chủ quyền. Bài học gần đây của các nước châu Á tham gia vào BRI như Sri Lanka, Malaysia, Pakistan… là bằng chứng củng cố luận điểm trên. 

Thêm vào đó, mặc dù tuyên bố là đối tác phát triển của toàn bộ các nước châu Phi, nhưng trên thực tế Trung Quốc chỉ tập trung vào một số nước giàu tài nguyên, khoáng sản, đất đai hoặc có nguồn nhân công dồi dào. Chính vì thế, ngày càng xuất hiện chỉ trích rằng Bắc Kinh đang thực hiện “chủ nghĩa thực dân mới” ở châu Phi, tập trung khai thác bóc lột tài nguyên, lao động…

Trước các chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc có xu hướng hạn chế “lạm phát” cam kết tài chính cho châu Phi. Bắc Kinh nhấn mạnh mối quan hệ “hợp tác cùng thắng”, tập trung vào tính hiệu quả, cùng có lợi của hợp tác, trên các lĩnh vực phát triển bền vững như kinh tế xanh, phát triển sinh thái, bảo vệ môi trường… Nhưng đây lại là lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao mà Mỹ và các nước phương Tây có ưu thế hơn. Chính vì thế, cuộc điều chỉnh chính sách châu Phi của Trung Quốc sẽ không dễ dàng diễn ra.