Trung Quốc đẩy mạnh "ngoại giao đường sắt"

ANTD.VN - Trung Quốc vừa khai trương tuyến tàu hỏa chở hàng tới Anh, như một phần trong những nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm tăng cường mối quan hệ thương mại của nước này với châu Âu.

Trung Quốc đẩy mạnh "ngoại giao đường sắt" ảnh 1Chuyến tàu từ Trung Quốc tới Anh

Chuyến tàu xuất phát từ thị trấn Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang (miền Bắc Trung Quốc) vào ngày 1-1 và sẽ vượt hơn 12.000km, chạy qua Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức, Bỉ và Pháp trong 18 ngày để tới được thị trấn Barking ở London (Anh), Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc (CRC) cho biết trong một thông báo. 

Như vậy, London sẽ trở thành thành phố thứ 15 của châu Âu có tuyến đường sắt trực tiếp từ Trung Quốc. Tuyến đường này nằm trong sáng kiến Một vành đai, Một con đường (OBOR) được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013.

Theo đó, Trung Quốc muốn làm sống lại Con đường tơ lụa lịch sử giữa các đường biên giới của nước này với châu Âu. Sáng kiến OBOR tạo ra 2 hành lang thương mại mới - một bằng đường bộ và một bằng đường biển - kết nối Trung Quốc với các quốc gia láng giềng ở phía tây: Trung Á, Trung Đông và châu Âu.

Bước tiến mới của sáng kiến OBOR

Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc cho hay, chuyến tàu từ Chiết Giang đến London sẽ tăng cường kết nối giữa Trung Quốc - Tây Âu và cải thiện các mối quan hệ thương mại Trung Quốc - Anh. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, quan hệ với Bắc Kinh đang ở “kỷ nguyên vàng”, khi bà tìm cách thu hút hàng tỷ đôla đầu tư của Trung Quốc, trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời Liên minh châu Âu. 

Theo sáng kiến OBOR, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 40 tỷ USD vào một quỹ để tài trợ cho các dự án xây dựng tuyến đường bộ và đường sắt ở nước ngoài. Lợi nhuận từ việc giao thương với những quốc gia dọc theo các tuyến đường vận tải này có thể đạt tới 2,5 nghìn tỷ USD trong khoảng 10 năm, Diêu Cương - người từng là Phó chủ tịch Ủy ban điều tiết thị trường chứng khoán Trung Quốc nhận định, trước khi ông ta bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng vào cuối năm 2015. Trong khi đó, theo nhà phân tích Nadege Rolland thuộc cơ quan nghiên cứu châu Á, đây không chỉ là một dự án kinh tế, mà còn là một dự án địa chính trị mang tính chiến lược của Trung Quốc.

Mở rộng thị trường nước ngoài

Đường sắt là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và trong tháng 12-2016, quốc gia này đã tuyên bố  kế hoạch chi 3,5 nghìn tỷ NDT (503 tỷ USD) để mở rộng mạng lưới đường sắt quốc gia vào năm 2020 với tổng số  hơn 30.000km, kết nối 80% các thành phố lớn ở Trung Quốc.

Trung Quốc cũng sử dụng đường sắt như một biện pháp ngoại giao. Các nhà sản xuất xe lửa nội địa Trung Quốc đã nhắm vào các thị trường mới nổi ở châu Phi, Mỹ Latinh và Đông Nam Á để ký các đơn hàng liên quan tới đường sắt, cũng như đấu thầu các hợp đồng cao cấp tại những nước phát triển. 

Tuy nhiên, thời gian qua, Bắc Kinh liên tục xảy ra thất bại với các dự án đường sắt trên thế giới. Hồi tháng 6-2016, Công ty liên doanh XpressWest của Mỹ đã hủy hợp đồng đường sắt cao tốc từ Los Angeles tới Las Vegas với Tập đoàn Đường sắt quốc tế Trung Quốc (CRI) trị giá khoảng 100 triệu USD.

Theo XpressWest, điều này liên quan đến thời hạn hoàn thành công trình cũng như CRI đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu mà chính quyền đặt ra, như: tàu cao tốc cần phải được chế tạo tại Mỹ nhằm đảm bảo an toàn. 

Trước đó, tháng 2-2015, Bộ trưởng Công trình Công cộng, Dịch vụ và Nhà ở Bolivia Milton Claros cho biết, nước này đã hủy một hợp đồng xây dựng đường sắt trị giá 250 triệu USD với Tổng công ty đường sắt Trung Quốc. Ông Claros lấy làm tiếc về quyết định này do phía Trung Quốc đã không đáp ứng đúng thời hạn và hiệu quả như hai bên đã thỏa thuận.