Trung Quốc cố hút "dòng sữa" FDI

ANTD.VN - Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đóng vai trò quan trọng như “dòng sữa” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong hàng chục năm qua đang liên tục giảm sút thời gian gần đây.

Trung Quốc cố hút "dòng sữa" FDI ảnh 1Giá nhân công liên tục tăng cao khiến Trung Quốc ngày càng kém hấp dẫn hơn với vốn FDI

Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) ngày 15-6 công bố số liệu cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này tiếp tục xu hướng sụt giảm trong tháng 5-2017 với tổng trị giá 54,67 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 8,05 tỷ USD), giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng số vốn FDI đổ vào Trung Quốc Đại lục đạt 341,08 tỷ Nhân dân tệ, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thế nhưng, MOC vẫn trấn an rằng, dù xuất hiện xu hướng sụt giảm về mặt tổng thể song FDI vào lĩnh vực dịch vụ tại Trung Quốc, đặc biệt là các ngành dịch vụ công nghệ cao và hiện đại, vẫn tăng trưởng khả quan. Từ tháng 1 đến tháng 5-2017, lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao cũng thu hút được tổng cộng 48,64 tỷ Nhân dân tệ vốn FDI, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, về lĩnh vực chế tạo, vốn FDI đổ vào các dự án sản xuất thiết bị viễn thông đạt tốc độ tăng trưởng tới 46,6%. 

Vốn FDI đổ vào Trung Quốc sụt giảm trong bối cảnh dòng vốn này trên thế giới cũng đang giảm những năm vừa qua do những khó khăn của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự sụt giảm vốn FDI vào Trung Quốc mới diễn ra gần đây trong khi dòng vốn này đã chững lại vài năm nên sự trấn an của MOC chưa đủ xua đi lo ngại về xu hướng giảm sút vốn FDI vào Trung Quốc, trong khi đây là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nhanh của quốc gia này suốt mấy chục năm qua. 

Giới kinh tế đánh giá, vốn FDI vào Trung Quốc giảm xuất phát từ những nguyên nhân nội tại của nền kinh tế nước này là chính. Nhìn sang Ấn Độ, thị trường hơn 1 tỷ dân cũng đang trỗi dậy như Trung Quốc, có thể thấy khá rõ điều này khi vốn FDI vào Ấn Độ trong tài khóa 2016-2017 đã tăng 9%, đạt mức kỷ lục 43,38 tỷ USD, chủ yếu nhờ những cải cách về chính sách sâu rộng và mạnh mẽ mà chính phủ đã thực hiện.

Điều khiến giới đầu tư quan ngại với Trung Quốc thời gian gần đây là sự chững lại của tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn luôn đạt 8-10% suốt hàng thập kỷ qua. Cùng với đó, bong bóng bất động sản liên tục phình to cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại kinh tế Trung Quốc có thể đối mặt với khủng hoảng nếu nó vỡ đột ngột.

Ngoài ra, nguyên nhân gây sụt giảm vốn FDI vào Trung Quốc còn do giá lao động liên tục tăng cao tại nước này, thậm chí mức lương tại một số khu vực thêm 40% mỗi năm, khiến giá cả tăng cao, môi trường đầu tư trở nên kém hấp dẫn hơn. Trong khi đó, giá nhân công các nước trong khu vực châu Á thấp hơn, đi kèm với việc cải cách liên tục và mạnh mẽ môi trường đầu tư, nên có sức hấp dẫn dòng vốn FDI hơn Trung Quốc mà điển hình là những quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Bangladesh...

Nhằm ngăn chặn đà đi xuống để tiếp tục thu hút vốn FDI vào thị trường có số dân đông nhất thế giới, Chính phủ Trung Quốc sắp triển khai một loạt chính sách mở cửa hơn nữa thị trường và cải thiện môi trường đầu tư. Những cải cách này, theo MOC, gồm nới lỏng những hạn chế đối với quyền sở hữu có yếu tố nước ngoài trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau; cho phép hơn 95% doanh nghiệp FDI mới hiện không cần phải thông qua thủ tục cấp phép của chính quyền trước khi thành lập…