Trung Quốc: Chặn kênh chuyển tiền của quan tham

ANTĐ - Trong khi người Trung Quốc chỉ được phép chuyển ra nước ngoài số tiền nhiều nhất 50.000 USD/năm, một số ngân hàng ngầm mời khách hàng dùng dịch vụ “VIP” với giao dịch nhanh và lượng chuyển tiền không giới hạn. Bởi thế, chuyển tiền ra nước ngoài bất hợp pháp là một trong những nguyên nhân dẫn đến mức thâm hụt dự trữ ngoại hối của Trung Quốc lớn nhất trong năm nay.  

Trung Quốc: Chặn kênh chuyển tiền của quan tham ảnh 1Trung Quốc đang thắt chặt tình trạng chuyển tiền ra nước ngoài bất hợp pháp

Thủ đoạn giao dịch ngầm

Trong các vụ việc được phanh phui gần đây, nhà chức trách Trung Quốc đã dần phơi bày các thủ đoạn của thế giới giao dịch ngầm. Mới đây nhất hôm 23-11, cơ quan điều tra đã cáo buộc Tổng giám đốc Công ty kỹ thuật cảng Trung Quốc, vốn sở hữu Nhà nước có trụ sở ở Bắc Kinh đã chuyển 3 triệu USD tiền có được từ tham nhũng thông qua một ngân hàng ngầm của Trung Quốc đại lục. Các ngân hàng ngầm này sử dụng chiêu “hàng rào kiểm toán”, bản chất là chuyển đổi 18 triệu nhân dân tệ trong tài khoản của vị Tổng giám đốc đó thành khoản ngoại tệ tương đương trong tài khoản ở nước ngoài của ngân hàng ngầm. Về lý thuyết, tiền không được chuyển trực tiếp hay bằng điện tử qua biên giới, khiến cho những giao dịch này  hoàn toàn không thể phát hiện được, vì thế mới gọi là “hàng rào” chống lại các cuộc kiểm toán.

Kể từ tháng 4-2015, thời điểm Trung Quốc tuyên chiến với hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp, hãng Tân Hoa xã bắt đầu nhắc nhiều đến những thuật ngữ tương đối mới trong lĩnh vực tài chính để nói về các giao dịch ngân hàng ngầm như “hàng rào kiểm toán” hay “găng tay trắng”. Với chiêu “găng tay trắng”, chỉ tính một vụ việc đơn lẻ ở thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc cũng đã chiếm gần một nửa tổng lượng tiền giao dịch bất hợp pháp được phát hiện thời gian qua. Trong đó 10 nhân viên ngân hàng thương mại ở địa phương này đã mở dịch vụ ngân hàng ngầm trá hình với vỏ bọc giao dịch trong lĩnh vực thương mại và vận tải với hàng chục công ty ở Hồng Kông, nhưng thực chất là chuyển tiền trái phép.

Cũng với chiêu đó, một băng nhóm tội phạm ở thủ phủ Ngân Xuyên, tỉnh Ninh Hạ đã lập 12 công ty kinh doanh “ma”, trong đó giả các dữ liệu xuất nhập khẩu để che đậy các khoản tiền giao dịch ra nước ngoài. Luật pháp Trung Quốc chỉ cho phép các công ty chuyển đổi hợp pháp số ngoại tệ trong hạn ngạch 50.000 USD mỗi năm, nhưng cảnh sát phát hiện ra rằng, từ năm 2013, các băng nhóm lợi dụng chính sách khuyến khích xuất khẩu quốc gia để chuyển trái phép ra nước ngoài số tiền gần 6 triệu USD.

Khó xử lý triệt để

Giao dịch qua ngân hàng ngầm cũng được chỉ ra là nguyên nhân góp phần gây nên những biến động lớn của thị trường chứng khoán Trung Quốc mùa hè vừa rồi. Đã có lãnh đạo chủ chốt của một số công ty dịch vụ tài chính bị cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán đại lục, tuồn 200 triệu nhân dân tệ từ lợi nhuận bất hợp pháp qua các ngân hàng ngầm ở nước ngoài. Vụ việc này mới được tiết lộ vào đầu tháng 11.

Nhà chức trách Trung Quốc thông báo rằng họ đã phát hiện số tiền giao dịch ngầm lên tới 800 tỷ nhân dân tệ (125 tỉ USD) kể từ tháng 4-2015, nhưng trong thực tế, rất khó xác định chính xác nó chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng lượng vốn bị chảy ra nước ngoài kỷ lục mà Trung Quốc trải qua thời gian vừa rồi, đặc biệt là trong tháng 9, khi mà kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và đồng tiền nhân dân tệ chịu áp lực giảm giá mạnh. 

Khi Trung Quốc cho phép cá nhân, tổ chức mở tài khoản ở khắp thế giới, sẽ khó phong tỏa hoặc phát hiện hiện tượng chuyển nhượng vốn bất hợp pháp. Các cơ quan quản lý tài chính của nước này mặc dù đã nỗ lực hạn chế hoạt động của các ngân hàng ngầm nhưng theo nhận định của Tân Hoa Xã, hoạt động kiểu này đã trở thành một trong những yếu tố của cấu trúc tài chính Trung Quốc.