Trung Quốc: Cần giám sát rò rỉ phóng xạ từ bãi thử hạt nhân của Triều Tiên

ANTD.VN -Ngày 26/4, các nhà khoa học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết, các dữ liệu nghiên cứu sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 vào ngày 3/9/2017 cho thấy, trận động đất đầu tiên xảy ra sau khi quả bom phát nổ 8 phút rưỡi và có sự sụp đổ địa chất hướng về trung tâm thử hạt nhân.

Hình ảnh vệ tinh chụp điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên ngày 13/4/2017

Các tác giả bài nghiên cứu trên cho biết: "Xét tới những phát hiện về việc bãi thử Mantap của Triều Tiên đã sụp đổ, cần tiếp tục giám sát mọi sự rò rỉ các chất phóng xạ". Ngày 3/9/2017, Triều Tiên tuyên bố tiến hành thử thành công bom nhiệt hạch với sức công phá ước tính tương đương với hơn 100.000 tấn thuộc nổ TNT. Cùng ngày, một trung tâm địa chấn Trung Quốc ghi nhận một trận động đất mạnh 6,3 độ Richter tại Triều Tiên là một "vụ nổ khả nghi", trong khi đó cơ quan khí tượng Hàn Quốc đã phát hiện một trận động đất nhân tạo tại các khu vực thuộc tỉnh Hamgyeong của Triều Tiên.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng cần đánh giá rò rỉ phóng xạ từ địa điểm thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên

Các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên đã gây ra các cơn địa chấn ở các thành phố và thị trấn biên giới Trung Quốc. Trung Quốc buộc phải sơ tán trường học và văn phòng, làm dấy lên lo ngại về bức xạ sẽ theo gió gây ảnh hưởng sức khỏe dẫn đến phản ứng dữ dội của một bộ phận người Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã khẳng định không tìm thấy bất kỳ nguy cơ phóng xạ nào từ những mẫu vật thu thập dọc biên giới.