Trung Quốc "bơm" tiền để "giải cứu" thanh khoản

ANTD.VN - Việc liên tục phải “bơm” hàng nghìn tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường tài chính cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải những khó khăn không hề nhỏ.

Trung Quốc "bơm" tiền để "giải cứu" thanh khoản ảnh 1Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc liên tục bơm tiền để hỗ trợ thanh khoản của thị trường tài chính nước này

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 6-12 đã “bơm” thêm 339 tỷ nhân dân tệ (tương đương 49,13 tỷ USD) vào thị trường tài chính nước này dưới dạng cho 24 thể chế tài chính vay thông qua cơ chế cho vay trung hạn (MLF). Lãi suất MLF là 2,85% đối với khoản vay 6 tháng và 3% đối với khoảng vay 1 năm, không thay đổi so với các mức của tháng 11.

Trong một diễn biến khác, PBOC trong cùng ngày 6-12 cũng đã bơm 60 tỷ NDT vào hệ thống ngân hàng thông qua hình thức repo (thỏa thuận bán và mua lại cổ phiếu). Giải thích cho quyết định của mình, PBOC cho biết động thái trên nhằm duy trì tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng “ở mức hợp lý và rộng rãi”.

Cơ chế MLF đã được áp dụng từ năm 2014 nhằm giúp các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách của Trung Quốc duy trì khả năng thanh khoản bằng cách vay tiền từ PBOC, sử dụng cổ phiếu như tài sản thế chấp. PBOC cũng cung cấp tiền dưới dạng cho vay ngắn hạn trong các giao dịch thị trường mở thông qua các thỏa thuận repo, theo đó PBOC mua cổ phiếu của các ngân hàng với thỏa thuận bán lại chúng trong tương lai. 

Nói cách khác, việc PBOB “bơm” hàng trăm tỷ NDT là nhằm hỗ trợ thanh khoản để thị trường tài chính Trung Quốc không rối loạn trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang gặp không ít khó khăn. Điều đáng nói việc tung thêm tổng cộng gần 400 tỷ NDT vào thị trường tài chính mới đây diễn ra sau hàng loạt động thái tương tự của PBOC kể từ khi cơ chế MLF ra đời, nhất là thời gian gần đây.

Trước đó, vào các ngày cuối cùng của tháng 11 và đầu tháng 12 này, PBOC đã trải qua chuỗi 3 ngày liên tiếp tung thêm tiền vào hệ thống tài chính nước này thông qua các hoạt động thị trường mở. Trong đó mới nhất là ngày 2-12 đã bơm 160 tỷ NDT thông qua các thỏa thuận repo thời hạn 7 ngày, 60 tỷ NDT repo thời hạn 14 ngày và 25 tỷ NDT repo thời hạn 28 ngày.

Việc PBOC phải liên tục “bơm doping” tiền vào thị trường tài chính để “giải cứu” thanh khoản cho thấy tình trạng khan hiếm tiền mặt và thanh khoản đang là khó khăn lớn của các tổ chức tính dụng nước này. Cũng do tình trạng khan hiếm tiền mặt hiện nay, lãi suất liên ngân hàng qua đêm tại Thượng Hải (Shibor) đã liên tục tăng thời gian gần đây.

Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng thanh khoản có vấn đề của thị trường tài chính Trung Quốc đã phản ánh nền kinh tế nước này có thể phải “hạ cánh cứng” chứ khó có thể “hạ cánh mềm” như nước này mong muốn, thể hiện qua những can thiệp mạnh mẽ vào thị trường.

Báo cáo mới được công bố cuối tháng 11 vừa qua của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đại học Nhân dân Trung Quốc (RUC) đã dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay có thể chỉ ở mức 6,5% - mức thấp nhất trong hàng chục năm qua và có thể chưa “thoát đáy” trong năm 2017. Tốc độ tăng trưởng 6,5%  của năm 2016 cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5% đến 7% mà Chính phủ Trung Quốc đặt ra trước đó cho năm 2016.