Trung Quốc bị tố "lật mặt" trên bãi cạn

ANTĐ - Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 26-5 đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc phá vỡ thỏa thuận vừa đạt được liên quan tới bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) trên Biển Đông. 

Tổng thống Philippines Benigno Aquino tố Trung Quốc lật mặt trong thỏa thuận 3 bên về bãi cạn Scarborough

Trả lời báo giới, Tổng thống Aquino cho biết, nhằm góp phần làm dịu tình hình căng thẳng cũng như giải quyết tranh chấp, Mỹ đã đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận “giữ thể diện”, trong đó yêu cầu cả hai phía Philippines và Trung Quốc cùng rút các tàu ra khỏi khu vực tranh chấp ở bãi cạn này.

Tuy nhiên, theo ông Aquino, chỉ có phía Philippines thực hiện cam kết trong thỏa thuận, không đưa tàu đến khu vực bãi cạn tranh chấp. Đại sứ quán Trung Quốc tại Thủ đô Manila của Philippines khi được hãng tin Rueters đề nghị bình luận về những phát biểu của Tổng thống Aquino đã không đưa ra phản ứng nào, song một nhà ngoại giao Philippines từng tham gia cuộc đàm phán ba bên Philippines - Mỹ - Trung Quốc tiết lộ rằng Bắc Kinh “tỉnh queo” nói chẳng có thỏa thuận nào như vậy với Philippines và Mỹ về bãi cạn Scarborough.

Tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough là điểm nóng nhất trong quan hệ giữa       Philippines và Trung Quốc thời gian qua, nhất là kể từ khi Trung Quốc dùng sức mạnh áp đảo khống chế bãi cạn này vào năm 2012 vốn do Philippines kiểm soát trước đó.

Sau gần 4 năm kiểm soát bãi cạn tranh chấp trên thực tế, phía Trung Quốc bất ngờ có những hành động leo thang nguy hiểm từ tháng 3 năm nay khi đưa tàu khảo sát tới, một động thái được giới chuyên gia cho rằng để chuẩn bị cải tạo, bồi đắp bãi cạn này thành đảo nổi nhân tạo như điều mà Bắc Kinh đã từng làm với một số bãi đá, rặng san hô ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mới đây.

Bãi cạn Scarborough dù chỉ là những đảo san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi nhô lên từ 0,5-3m trên vùng đáy biển sâu 3.500m ở Biển Đông, nhưng ngày nay có vai trò và vị trí chiến lược rất quan trọng bởi có chu vi tới 55km và tổng diện tích khoảng 130km. Chiếm giữ bãi cạn Scarborough mang lại lợi thế rất lớn cho Bắc Kinh trong việc kiểm soát Biển Đông khi bãi cạn này nằm cách Philippines chỉ 230km, song lại cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới 850km.

Theo giới phân tích, Trung Quốc đang toan tính bồi đắp bãi cạn Scarborough thành một đảo nổi nhân tạo, nhằm xây dựng trên đây một căn cứ, bàn đạp quân sự lớn. Với sân bay, radar cũng như các trang thiết bị vũ khí khác đặt trên bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh sẽ có một tiền đồn quân sự giúp mở rộng tầm với cho không quân Trung Quốc trên Biển Đông thêm ít nhất 1.000 km nữa và vươn vùng giám sát đến hết đảo Luzon lớn nhất của Philippines, một cửa ngõ trọng yếu giữa Biển Đông và Thái Bình Dương.

Không ai lạ gì toan tính thâm sâu và đầy nguy hiểm của Trung Quốc đối với hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông nên khi Philippines tố Trung Quốc “trở mặt” trong vấn đề bãi cạn Scarborough, Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản ngày 27-5 đã ra tuyên bố chung bày tỏ sự quan ngại về những căng thẳng leo thang trên biển ở khu vực châu Á. Các nhà lãnh đạo 7 quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới cũng đồng thời kêu gọi không giải quyết các tranh chấp trên biển bằng vũ lực.