Dịch cúm gia cầm H7N9:

Trung Quốc áp dụng biện pháp mạnh ngăn "bom nổ chậm"

ANTD.VN - Dịch cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc đang diễn biến ngày càng phức tạp, đến mức chính quyền tỉnh Chiết Giang vừa phải ban hành lệnh cấm mọi hoạt động mua bán gia cầm sống trên thị trường tại tất cả các huyện trong toàn tỉnh. 

Trung Quốc áp dụng biện pháp mạnh ngăn "bom nổ chậm" ảnh 1Các nhân viên thú y đang xử lý vệ sinh tại một trang trại ở Trung Quốc

Thông báo mới nhất của Ủy ban Y tế tỉnh Chiết Giang cho biết trong tháng 1-2017, tại địa phương này đã có 35 ca lây nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 sang người. Trung tâm phòng, chống dịch bệnh của tỉnh cảnh báo các ca nhiễm bệnh sẽ tiếp tục xuất hiện tại các khu vực buôn bán gia cầm sống, đặc biệt tại vùng nông thôn, và những người tiếp xúc với gia cầm sống chính là nguồn nhiễm bệnh lớn nhất. 

Người ta lo ngại bởi khoảng thời gian mùa Đông Xuân hàng năm là thời điểm thuận lợi cho chủng virus H7N9 bùng phát. Tháng 3-2013, trường hợp virus H7N9 lây nhiễm sang người lần đầu tiên tại Trung Quốc được biết đến. Thế nhưng ngay trong lần xuất hiện đó, dịch cúm này đã làm 36 người chết và khiến ngành chăn nuôi Trung Quốc thiệt hại 6,5 tỷ USD.

Là một chủng loại cúm, virus H7N9 được cho là có thể lây nhiễm chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh hoặc với môi trường đã bị nhiễm virus như chuồng gà, vịt, phân, chất thải gia cầm. Có một số trường hợp mắc bệnh theo từng nhóm người cùng ở chung phòng, cùng vị trí làm việc, cùng cơ quan, trường học, thời gian ủ bệnh và xuất hiện triệu chứng giống nhau.

Với những đặc tính nêu trên, các nhà khoa học lo ngại virus cúm A/H7N9 thật sự là “bom nổ chậm” có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. Việc chặn đà lây lan của loại siêu vi này gặp nhiều khó khăn vì ở chim hoang dã có nhiều trường hợp nhiễm virus mà không phát bệnh. Chúng sẽ là “ổ bệnh di động”, âm thầm phát tán virus cúm A/H7N9. 

Phần lớn các bệnh nhân nhiễm bệnh này sau triệu chứng ban đầu là sốt cao thường chuyển sang viêm phổi và những bệnh hô hấp khác. Việc virus cúm A/H7N9 có khả năng sinh sôi cao sẽ gây nguy hiểm càng cao. Do đó, khi vừa bị lây, người bệnh có thể chỉ có những triệu chứng nhẹ nhưng bệnh có nguy cơ kéo dài và ngày càng trầm trọng.

Từ đầu mùa đông 2016, toàn Trung Quốc đã ghi nhận ít nhất 6 ca tử vong vì virus cúm gia cầm H7N9 ở người. Theo ông Lương Vạn Niên, một viên chức của Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc, hiện nay hiệu quả của những biện pháp phòng ngừa của Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng. Ông Lương cho biết: “Có rất nhiều yếu tố chưa được làm rõ, trong đó có nguồn gốc virus, sự biến đổi gene của virus, các yếu tố bệnh lý học, tính chất độc hại, sự chuyển dịch, các triệu chứng lâm sàng và tình hình dịch tễ học của virus này. Vì vậy, chúng tôi còn phải nghiên cứu thêm rất nhiều”.

Trong bối cảnh đó, các địa phương ở Trung Quốc đang tìm cách tự chủ động đối phó với virus H7N9. Tại tỉnh An Huy (Trung Quốc) là nơi có 2 trường hợp tử vong vì cúm gia cầm H7N9, chính quyền địa phương đã đóng cửa thị trường thịt trong vòng 2 tuần. Các phương tiện truyền thông cũng khuyến cáo người dân không mua hoặc tự giết mổ gà sống. Thành phố Tô Châu của Trung Quốc cũng đã đình chỉ buôn bán gia cầm sống do lo ngại dịch cúm gia cầm sau khi tỉnh bên cạnh phát hiện người nhiễm bệnh.

Là tỉnh mới nhất ban hành lệnh cấm mọi hoạt động mua bán gia cầm sống trên thị trường, Chiết Giang hy vọng có thể ngăn chặn nguy cơ bệnh dịch lan rộng. Nhưng với tập tục mua bán gia cầm sống ngoài chợ tồn tại từ bao đời nay cùng với ý thức chấp hành của người dân chưa cao, chưa biết biện pháp này sẽ có hiệu quả đến đâu.