Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, căng thẳng leo thang

ANTD.VN - Tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang sau khi Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch có thể gắn trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). 
 

Khu vực xảy ra động đất

Sức công phá lớn hơn 10 lần vụ thử trước

Trong một tuyên bố, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 3-9 xác nhận: “Vụ thử bom nhiệt hạch được tiến hành vào lúc 12h (giờ địa phương) nhằm kiểm tra độ chính xác và tin cậy của hệ thống kiểm soát năng lượng, cũng như cấu trúc bên trong của đầu đạn sẽ được đặt trên các ICBM”. Chiều cùng ngày, Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên tuyên bố, nước này đã tiến hành thử hạt nhân lần thứ  sáu.

Đài truyền hình này cho biết thêm rằng loại bom vừa được thử là mạnh nhất từ trước tới nay, và kết quả thử lần này đã giúp nâng cao độ tin cậy của loại bom nói trên. Cũng theo tuyên bố trên, vụ thử đã diễn ra một cách hoàn hảo và giúp làm tăng đáng kể độ chính xác, cũng như cho thấy độ tin cậy của đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên. Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên cho biết, lần thử này là bước tiến nhiều ý nghĩa trong việc hiện thực hóa mục tiêu hoàn tất chương trình vũ trang hạt nhân của Triều Tiên. 

Trước đó, Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết một trận động đất mạnh 6,3 độ richter đã xảy ra tại Triều Tiên, với tâm chấn chỉ nằm ở độ sâu 10km. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết, địa chấn xảy ra tại khu vực Kilju, nơi có bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.

Quân đội Hàn Quốc cũng đã xác nhận một trận động đất nhân tạo xung quanh bãi thử hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời điều động đội phản ứng nhanh về hạt nhân. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia. Giới chức địa chất Nhật Bản và Hàn Quốc đều tin rằng, vụ động đất này đến từ vụ thử hạt nhân lần thứ  sáu của Triều Tiên và có sức công phá lớn hơn 10 lần so với vụ thử nghiệm trước đó. 

Theo kênh truyền hình Nhà nước CCTV của Trung Quốc, trận động đất do vụ thử hạt nhân của Triều Tiên gây ra có thể cảm nhận được ở thành phố Trường Xuân. Còn ở thị xã Diên Cát, cách biên giới Trung - Triều 20km, một số người cho biết trận động đất đã gây ra sự rung chuyển lớn đến mức mà họ phải chạy khỏi nhà. 

Khó xảy ra chiến tranh hạt nhân

Trung Quốc đã kịch liệt lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, chỉ trích gay gắt Bình Nhưỡng đã phớt lờ những chỉ trích của quốc tế về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Cùng ngày, Hàn Quốc cũng đã lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, đồng thời cam kết thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới và mạnh mẽ nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm cô lập hoàn toàn Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, theo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, vụ thử hạt nhân hôm 3-9 là mối đe dọa nghiêm trọng và cận kề đối với an ninh của Nhật Bản. Mối đe dọa này đã đạt tới một mức mới, gây phương hại đáng kể cho hòa bình và an ninh của khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.

Cũng trong ngày 3-9, theo hãng Yonhap, một số nguồn tin chính phủ cho biết, Mỹ đang cân nhắc việc triển khai luân phiên các máy bay chiến đấu tàng hình đến Hàn Quốc, nhằm đối phó với những mối đe dọa về hạt nhân và tên lửa ngày càng nghiêm trọng từ Triều Tiên. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3-9 đã lên án vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên. “Triều Tiên vừa tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân lớn. Hành động và ngôn từ của họ vẫn tiếp tục thù địch và gây nguy hiểm cho Mỹ”, ông Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter. Tổng thống Mỹ đồng thời gọi Triều Tiên là một “mối đe dọa lớn” và là “nỗi xấu hổ đối với Trung Quốc, nước đang cố gắng giúp đỡ nhưng đạt được rất ít thành công”. 

Theo các nhà phân tích, một cuộc chiến tranh hạt nhân không dễ dàng xảy ra như những tuyên bố mạnh mẽ từ phía Mỹ và Triều Tiên. Tất cả các động thái của các bên, từ đe dọa và trừng phạt của phương Tây cho tới thử bom hạt nhân hay tên lửa của Triều Tiên, đều nhằm mục đích giành lợi thế trong trường hợp hai bên đàm phán.