Triều Tiên trước vận hội lớn từ Hà Nội

ANTD.VN - Việc đạt được một thỏa thuận nhằm thực thi cam kết phi hạt nhân hóa tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội sẽ mở ra vận hội lớn để Triều Tiên thoát khỏi bao vây cấm vận, hòa nhập với nền kinh tế toàn cầu.

Thỏa thuận tích cực tại Hà Nội sẽ tạo động lực cho sự phát triển của Triều Tiên khi nước này đang thực thi chính sách tập trung phát triển kinh tế

Trong ngày đầu tiên ở Hà Nội sau khi tới đây vào tối 26-2 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thông điệp đăng tải ngày 27-2 trên “kênh” thông tin ưa thích Twitter đã tuyên bố, tiềm năng kinh tế của Triều Tiên là “tuyệt vời” nếu nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Tổng thống Donald Trump viết: “Tiềm năng là tuyệt vời, một cơ hội to lớn, chưa từng có trong lịch sử cho người bạn của tôi Kim Jong-un. Chúng ta sẽ sớm biết thôi - Rất thú vị”. 

Chỉ vài giờ sau dòng trạng thái đáng chú ý trên Twitter, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội để bàn thảo những biện pháp, bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy cam kết phi hạt nhân hóa thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đầu tiên tại Singapore tháng 6-2018. Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên theo kế hoạch còn tiếp tục có các cuộc bàn thảo tiếp theo trong ngày hôm nay, 28-2, để đi tới thỏa thuận cuối cùng với trông đợi làm hài lòng cả hai bên. 

Không chỉ Mỹ và Triều Tiên mà cả thế giới đang quan tâm sâu sắc, dõi theo với hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội đạt được kết quả tích cực, mở ra tương lai hòa giải, hòa bình, an ninh và hợp tác trên Bán đảo Triều Tiên cũng như thế giới.

Đối với Triều Tiên, thỏa thuận tích cực tại Hà Nội sẽ mở ra cho quốc gia đang bị bao vây cấm vận và trừng phạt bởi chương trình phát triển hạt nhân gây tranh cãi này những vận hội phát triển lớn. Theo lộ trình phi hạt nhân hóa, chắc chắn những lệnh trừng phạt kinh tế với Triều Tiên sẽ dần được nới lỏng và dỡ bỏ.

Mở toang cánh cửa hòa nhập với nền kinh tế thế giới sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế hiện còn khó khăn của Triều Tiên. Trong động thái đáng chú ý về cam kết phi hạt nhân hóa, Triều Tiên từ năm 2018 đã tuyên bố nước này hoàn thành các nhiệm vụ hạt nhân và chiến lược mới của nước này là tập trung phát triển kinh tế, thay cho chính sách “Byungjin” - phát triển đồng thời cả kinh tế và vũ khí hạt nhân theo đuổi từ năm 2013.

Tất cả du khách quốc tế đến Triều Tiên thời gian gần đây đều thấy sự thay đổi khá nhanh dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un khi các khu chợ đang ngày càng xuất hiện nhiều, giới thương nhân và doanh nhân khởi nghiệp ngày càng tăng. Triều Tiên giờ đây đã có những trung tâm mua sắm hiện đại, từ tivi màn hình phẳng cho đến các mặt hàng gia dụng. Dịch vụ điện thoại di động, taxi cũng đã phát triển nhanh chóng tại đất nước này. Ngành du lịch ở Triều Tiên cũng được đánh giá là có tiềm năng phát triển rất lớn…

Chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Kim Jong-un đến Hà Nội, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên trong số ra ngày 27-2 đã đăng bài viết nhận định Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn để phát triển kinh tế sau những nỗ lực cải cách và mở cửa. Nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Lao động Triều Tiên đã có chuyến thăm Nhà máy VinFast và Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco thuộc Vingroup, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất của Việt Nam. 

Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình bởi thế đang trở thành một điểm đến không chỉ của hòa giải, hòa bình mà còn là nơi bắt đầu cho những vận hội để hợp tác phát triển hướng tới hòa bình, an ninh và thịnh vượng.