Triều Tiên phóng tên lửa nhắm đa mục tiêu

ANTD.VN - Vụ phóng tên lửa ngày 6-3 của Triều Tiên được cho nhắm tới nhiều mục tiêu khi mà nước Mỹ vừa có tân Tổng thống cũng như hai quốc gia đồng minh Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành tập trận lớn nhất thường niên.

Triều Tiên phóng tên lửa nhắm đa mục tiêu  ảnh 1Người dân Thủ đô Seoul theo dõi tường thuật vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lại leo thang lên cấp độ mới khi Triều Tiên phóng liền một lúc 4 quả tên lửa trong sáng ngày 6-3. Thông tin ban đầu từ giới quân sự Mỹ và Hàn Quốc cho thấy đây rất ít khả năng là các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Theo phân tích các dữ liệu của Mỹ và Hàn Quốc, 4 tên lửa được phóng từ căn cứ tên lửa tầm xa Dongchang-ri tại tỉnh Bắc Pyongan của Triều Tiên, trong đó 3 tên lửa rơi xuống đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, các tên lửa của Triều Tiên đã bay được khoảng cách trung bình là 1.000km và đã đạt độ cao tối đa so với mặt biển là gần 260km.

Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên trước hết được cho nhằm đáp trả cuộc tập trận mang tên “Đại bàng non” của quân đội Mỹ và Hàn Quốc. Đây là cuộc tập trận thường niên với sự tham gia của hàng chục nghìn binh sĩ hai nước đồng minh này cùng biên đội tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson, nhiều máy bay chiến đấu tàng hình F-35B của không quân Mỹ.

Giới quan sát cho rằng, ngoài mục đích trên, vụ phóng liền một lúc 4 quả tên lửa tầm bắn cả nghìn km của Triều Tiên còn nhắm tới các mục đích sâu xa hơn. Đó là thử phản ứng của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời phát triển hệ thống tên lửa Triều Tiên, trong đó ưu tiên cho tên lửa tầm trung có tầm bắn dưới 5.000km và tên lửa ICBM với tầm bắn có thể vươn tới bờ biển phía Tây của nước Mỹ.

Tổng thống Donald Trump với chính sách “nước Mỹ trên hết” đã hạn chế tới mức thấp nhất sự can thiệp, nguồn lực vào những vấn đề không thiết thực với lợi ích của Mỹ. Có lẽ vì vậy mà không lâu sau khi ông    Donald Trump nhậm chức, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa tầm trung Pukguksong-2 (Sao Bắc cực 2) vào ngày 12-2 vừa qua để “thử phản ứng”. 

Thế nhưng, phản ứng của chính quyền Donald Trump trong hai vụ phóng tên lửa mới nhất cho thấy tân Tổng thống Mỹ sẽ rất mạnh tay, thậm chí còn hơn chính quyền tiền nhiệm, để đối phó với vấn đề tên lửa của Triều Tiên. Ông Donald Trump từng tuyên bố sẵn sàng cho khả năng đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, song nay đang xem xét một loạt lựa chọn, trong đó có cả tấn công phủ đầu.

Những vụ phóng thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên, theo giới quân sự, còn nhằm phát triển khả năng răn đe với tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Ông Vladimir Novikhov - chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng, Viện Nghiên cứu chiến lược Nga - đánh giá, tên lửa Pukguksong-2 được Triều Tiên phóng ngày 12-2 thuộc loại tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) và vụ phóng này là một bước đột phá lớn về kỹ thuật và quân sự của Triều Tiên, là bước trung gian để Bình Nhưỡng chế tạo tên lửa ICBM có thể bắn tới lãnh thổ của Mỹ.

Ông Vladimir Novikhov cho rằng, với tiến triển như hiện nay, Triều Tiên có thể trở thành cường quốc vũ khí hạt nhân sở hữu tên lửa ICBM gắn đầu đạn hạt nhân chỉ sau 5-7 năm nữa. 

Triều Tiên hiện đang phải đối mặt với 6 lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kể từ khi lần đầu tiên thử hạt nhân vào năm 2006. Song rõ ràng Bình Nhưỡng đã chấp nhận trả giá khi mà mỗi vụ thử hạt nhân hay tên lửa lại nhằm tới không chỉ một mà đa mục tiêu.